Sự việc bé Vũ K. (SN 2011, Thạch Thất, Hà Nội) bị bạn học bắt nạt đến hoảng loạn khiến tôi nhớ lại thời đi học. Cấp 2, tôi chuyển từ trường quê ra thành phố, nửa ngày học thể thao, nửa ngày học văn hoá.
Biết tôi ở quê, bạn bè cùng lớp hầu hết tỏ vẻ thờ ơ, có nhóm bạn còn coi thường, cố tình làm khó dễ. Tôi ngày ấy xa gia đình, lại bận tập luyện ở trường thể thao nên cũng không quá buồn lòng.
Dù các bạn không thích tôi thì tôi cũng kệ. Tôi học khá nên vẫn còn cô chủ nhiệm và các bạn khác yêu quý. Hồi đó, mỗi sáng mùa đông, chúng tôi đều phải dậy sớm để chạy khoảng 8km, sau đó mới về tắm rửa và đi học. Có hôm, tôi vào lớp sau tiếng trống trường.
Mấy đứa ghét tôi lấy cớ này để mách cô chủ nhiệm phạt tôi. Một hôm, trong tiết sinh hoạt lớp cuối tuần, mấy bạn này “tố” tôi đi học trễ. Chúng nhao nhao lên, đòi cô chủ nhiệm phạt tôi bằng được, "vì cô đã tha cho nó quá nhiều rồi", tiếng một bạn vọng lên.
Thế là tôi bị cô gọi lên phê bình trước lớp cùng các bạn có nhiều vi phạm nội quy nhà trường. Cô hỏi tôi có muốn nói gì không. Tôi định kể lại câu chuyện mỗi sáng vận động viên chúng tôi phải tập luyện mệt như thế nào rồi mới được đến trường...
Nhưng tôi lại chọn không nói điều đó. Tôi chỉ bảo với cô và cả lớp rằng "cô cứ phạt em như các bạn vi phạm". Cả lớp lúc đó đang nhao nhao cũng bất ngờ lặng phắc.
Chắc mọi người nghĩ tôi sẽ cãi hoặc xin xỏ này kia. Nhưng không ngờ tôi lại sẵn sàng chịu viết bản kiểm điểm đi học muộn, với vẻ mặt không thể bình thản hơn.
Một buổi sáng mùa đông khác, khi tôi đang chạy cùng đội vận động viên, một bạn trong nhóm kì thị bất ngờ trông thấy tôi trên đường. Tôi cũng không biết bạn ấy có kể gì không, mà sau đó cả nhóm kì thị lại quay ra quý mến tôi, chơi thân cùng tôi.
Ngày tôi đại diện trường tham gia đại hội thể thao, cả nhóm còn kéo đến cổ vũ tôi hăng hái. Thật may là chúng tôi đã có những kỉ niệm đẹp cùng nhau.
Mãi sau này chúng nó mới bảo, "mày chẳng có lỗi gì cả, chỉ là nhìn cái mặt mày ngày đó câng câng lên, tụi tao nhìn ngứa mắt nên định dạy cho mày vài bài học thôi. Ai ngờ mày cũng bản lĩnh phết"...
Năm học lớp 10, tôi cũng suýt bị một trận “no đòn” vì lỡ chỉ mặt đàn anh gây rối trong trường. Hôm đó, cả lớp đang ôn bài thì thấy nhóm học sinh lớp trên đang lao động, dọn vệ sinh trường.
Không hiểu vì lý do gì, mấy bạn này dùng chổi nhúng vào ống cống thoát nước nhà vệ sinh rồi hắt vào lớp tôi. Nước cống vừa bẩn vừa hôi khiến bọn con gái chúng tôi rú lên, chạy tán loạn.
Tôi và một đứa bạn nhanh chân vọt lên mách ban giám hiệu. Sau đó, nhóm học sinh kia bị gọi lên phòng họp để kiểm điểm. Nhưng cả bọn chối bay biến. Thế là thầy giáo hỏi tôi ai đã làm việc đó.
Thấy có thầy cô bên cạnh nên tôi thật thà chỉ từng người. Tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là các bạn dám chơi thì dám chịu phạt, chứ không hề nghĩ tới việc mình có thể bị chặn đường đánh.
Hôm sau, tôi đến trường, bác bảo vệ trông thấy tôi từ cổng thì gọi lại nói chuyện. Ngày thường, tôi thấy bác là nhanh nhảu chào hỏi, nên bác khá quý tôi.
Bác kể: “Hôm qua, cái nhóm bị phạt vì mày mách thầy cô đòi đón đường đánh mày rồi treo mày lên cây đó. Chúng nó đứng ngoài cổng trường hỏi nhau mày về đường nào, chặn mày ở đâu... May mà bác phát hiện, bác quát chúng nó một trận.
Rồi bác mắng chúng nó là 10 thằng con trai mà đòi chặn đánh 1 đứa con gái là quá hèn, giải tán ngay không bác báo ban giám hiệu thì tội gấp đôi bây giờ. Xong bác kể với cô chủ nhiệm mày và chủ nhiệm của mấy đứa kia rồi đó. Nếu mày bị bắt nạt thì phải cáo cáo thầy cô và nhà trường ngay nghe chưa”.
Mỗi lần nhớ về thời cấp 2, cấp 3 sôi nổi hồn nhiên, tôi lại thấy mình thật "tốt số". Trong lòng tôi vẫn luôn thầm cảm ơn người bạn đã nhìn thấy tôi chạy mệt mỏi trên đường quốc lộ sáng mùa đông rét căm căm ấy, thầm cảm ơn bác bảo vệ với giọng nói sang sảng, sẵn sàng bảo vệ lũ học trò yếu thế chúng tôi ngày ấy...
Đời học sinh, tôi nghĩ ai cũng có nguy cơ bị kì thị, bị bắt nạt. Chúng ta hãy dạy cho con trẻ cách tự bảo vệ mình, cách kêu cứu, cách yêu thương nhau, cách nói rằng "bạo lực là hành động xấu xí, vô lương tâm", để không học sinh nào bị bắt nạt nữa, được không!
Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X. VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet. Trân trọng cảm ơn! |
Độc giả Đạo Tâm