Hàn Quốc lưu hồ sơ học sinh bắt nạt khi xét tuyển ĐH
Ngày 10/10, kênh truyền thông Hàn Quốc TV Daily đưa tin nạn nhân bị bắt nạt học đường Pyo Ye-rim đã qua đời tại hồ nước Seongjigok. Sự kiện này khiến dư luận nước này bàng hoàng.
Pyo Ye-rim, 27 tuổi, là một phần trong làn sóng "Hakpok", khi nạn nhân tố cáo những kẻ từng bắt nạt mình thời đi học nhiều năm trước.
Pyo Ye-rim đã đăng tải video khẳng định cô bị bắt nạt suốt 12 năm thơ ấu. Cô từng bị bạn học giấu ghim trong giày, bị ép đầu xuống bồn cầu, bị đá vào bụng. Nhưng cô luôn chịu đựng một mình, giấu giếm và phải đến khoảng giữa năm nay mới lên tiếng.
Cô cho biết các giáo viên đã không xử lý việc cô bị bắt nạt, mà yêu cầu cô "hãy thân thiện hơn" với những bạn học đó. Cuối cùng, cô từ bỏ ước mơ đại học để đi học nghề.
"Hakpok" đã giúp nhiều nạn nhân trút bỏ nỗi xấu hổ về trải nghiệm trong quá khứ. Phong trào nổi lên mạnh mẽ sau thành công của bộ phim đình đám The Glory (Vinh quang trong thù hận). Bộ phim mô tả một cách sống động những cảnh bạo lực bằng hình ảnh và việc bắt nạt thời thơ ấu gây ra tác động lâu dài đến cuộc sống của nạn nhân cho đến tận tuổi trưởng thành.
Giới chuyên gia cho biết tình trạng bắt nạt học đường vẫn diễn ra và cần thêm nhiều biện pháp để can thiệp hỗ trợ. Những kẻ bắt nạt phải chịu trách nhiệm về hành động của mình cho nhiều năm về sau.
Ngày 12/4 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc thông báo học sinh có hành vi bắt nạt tại trường học sẽ bị lưu hồ sơ kỷ luật trong quá trình xét tuyển vào đại học. Quy định sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2026. Đây là một trong các biện pháp chống bạo lực học đường tại Hàn Quốc.
Chính phủ cũng sẽ tăng gấp đôi thời gian lưu giữ bắt buộc hồ sơ kỷ luật đối với các trường hợp sinh viên có hành vi bắt nạt nghiêm trọng lên 4 năm.
Luật lưu hồ sơ sau khi tốt nghiệp đối với học sinh bắt nạt cấp độ nghiêm trọng cho thấy nếu người này có học cao lên hay đi làm thì trường mới hay chỗ làm cũng tra ra được "tiền án" từng là kẻ bắt nạt. Một số trường đại học dự kiến tự nguyện áp dụng các biện pháp mới từ năm 2025.
Trong lĩnh vực giải trí, hàng chục ngôi sao bị cáo buộc từng bắt nạt ở trường học đã phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội từ công chúng. Nhiều người bị mất hợp đồng giải trí, mất vai diễn và hầu hết không thể trở lại sân khấu.
Soojin, cựu thành viên nhóm nhạc nữ (G)I-DLE, từng bị cáo buộc bắt nạt học đường vào năm 2021. Cô buộc phải rời nhóm và dù thời gian đã qua, cô đã mở lại tài khoản Instagram cá nhân nhưng vẫn bị người hâm mộ xa lánh.
Indonesia: Các trường phải lập Lực lượng đặc nhiệm về bạo lực
Tháng 8 vừa qua, một học sinh tại trường công lập ở thị trấn Cilacap, miền Trung Java (Indonesia) đã bị bạn đánh đến mức gãy xương. Toàn bộ sự việc do một học sinh khác ghi lại và lan truyền trên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận. Cảnh sát đang điều tra vụ việc.
Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia cho biết mọi cơ sở giáo dục phải thành lập Lực lượng đặc nhiệm về Bạo lực trong môi trường học đường. Thông qua đó, phát hiện sớm các nguy cơ bạo lực trong môi trường học đường, ngăn chặn và xử lý một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, phải nâng cao nhận thức của người quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh về nạn bạo lực học đường.
Tuy nhiên, Muhadjir Effendy, Bộ trưởng Điều phối văn hóa và Phát triển con người cho biết việc thiếu các biện pháp cải tạo đối với thủ phạm là một trong những lý do chính khiến chuyện bắt nạt ở trường học khó bị ngăn chặn.
Ông chia sẻ rằng những thủ phạm trong vụ bắt nạt Cilacap đã bị đuổi học 2 lần vì hành hung các học sinh khác. Điều này có nghĩa việc đuổi học là không đủ để ngăn chặn hành vi bạo lực của học sinh.
Bộ đang lên kế hoạch xây dựng các biện pháp cải tạo những kẻ bắt nạt, với sự hợp tác của các bộ và tổ chức khác. Việc chỉ dựa vào trường học và gia đình học sinh là không đủ để ngăn chặn hành vi bạo lực. Những kẻ bắt nạt phải bị truy tố hình sự theo hệ thống tư pháp dành cho trẻ vị thành niên.
Trường học phải là nơi nuôi dưỡng những cá nhân có trách nhiệm, đồng cảm và có hành vi tốt chứ không chỉ tập trung vào thành tích học tập.
Nhật Bản ban hành luật Chống bắt nạt
Go Kasai, cha của một nạn nhân tự tử do bị bắt nạt, cho biết mọi người có xu hướng coi nhẹ việc bắt nạt. Con gái của ông, Rima Kasai, đã để lại một lá thư tuyệt mệnh tiết lộ chi tiết về việc bị bắt nạt vào năm 2016. Cô bé khi ấy là học sinh tại một trường cấp 2 ở thành phố Aomori.
Người cha 44 tuổi đau lòng cho rằng cuối cùng, biện pháp lý tưởng để ngăn chặn nạn bắt nạt là thông qua giáo dục trong trường học.
Tại Nhật Bản, hiện chưa có giải pháp triệt để nhằm chấm dứt bạo lực học đường nhưng nhận thức về vấn đề này là ưu tiên hàng đầu.
Sau khi ban hành luật Chống bắt nạt vào năm 2013, chính phủ yêu cầu trường học thực hiện các biện pháp xác định bắt nạt ở giai đoạn đầu và báo cáo ngay, kể cả những sự cố nhỏ như trêu chọc.
Luật thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa bắt nạt, đưa vấn đề bạo lực học đường ra ngoài ánh sáng, nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề này.
Tháng 2/2023, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản kêu gọi các trường học trên toàn quốc thông báo cho cảnh sát khi xảy ra trường hợp bắt nạt nghiêm trọng, có thể cấu thành tội phạm.
Tài liệu mới công bố của bộ bao gồm 19 ví dụ cụ thể về hành vi bắt nạt có thể cấu thành vi phạm hình sự. Ví dụ nếu một học sinh làm hại bạn cùng lớp bằng kéo hoặc dao ở trạng thái cảm xúc không kiểm soát, có thể coi là gây thương tích cơ thể; chia sẻ hình ảnh hoặc video khỏa thân của bạn lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật...
Từ năm 2019, công ty bảo hiểm Nhật Bản Yell đã bắt đầu cung cấp bảo hiểm bắt nạt để giúp bù đắp các chi phí pháp lý tiềm ẩn có thể xảy ra do bắt nạt. Gói bảo hiểm có giá 17,5 USD/tháng và nhiều phụ huynh quan tâm đã đăng ký.
Từ tháng này, công ty Nhật Bản Tokio Marine & Nichido cung cấp bảo hiểm cho học sinh bị bắt nạt ở trường học hoặc trên mạng. Chính sách này có thể lên tới 1.331 USD, bao gồm phí tư vấn cho học sinh bị bắt nạt, các chi phí liên quan đến việc chuyển trường, thay đổi đồng phục hoặc tài liệu học tập.