Dữ liệu được đăng trên Human Resource Online cho thấy mức độ căng thẳng ở Singapore khá cao với 86% người được hỏi cho biết họ bị stress. Khảo sát dựa trên chia sẻ của hơn 1.000 người.
Raymond Ng, Giám đốc điều hành của tổ chức đứng ra làm khảo sát, cho hay: "Singapore là một trong những nơi có mức sống đắt đỏ nhất trong khu vực và trên toàn cầu”. Các yếu tố gây căng thẳng hàng đầu là chi phí sinh hoạt tăng (50% số người được hỏi), cảm giác bất ổn về tương lai (38%), tài chính cá nhân (35%), tài chính gia đình (22%).
Tuy nhiên, theo Worldometer, Singapore lại là nước có tuổi thọ trung bình cao thứ 3 thế giới (84,27 tuổi), chỉ đứng sau Nhật Bản và Thụy Sĩ.
Trong 20 năm qua, chuyên gia tuổi thọ Dan Buettner đã đi khắp thế giới, nghiên cứu những vùng đất sống thọ. Buettner cho rằng Singapore cũng ở trong danh sách này.
Buettner lần đầu tiên bị Singapore thu hút vào năm 2005 khi ông viết một câu chuyện trang bìa cho National Geographic. Kể từ đó, ông đã gặp gỡ người dân và nghiên cứu dữ liệu, phân tích các chỉ số sức khỏe của hòn đảo. Tuổi thọ của người dân Singapore đã tăng thêm 20 năm kể từ năm 1960 và số người sống trên trăm tuổi đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua.
Di chuyển và tập thể dục
Ở Singapore có nhiều đường đi bộ cho người dân với các không gian xanh đẹp bảo vệ người dân khỏi ánh nắng mặt trời, di chuyển an toàn.
Quốc đảo cũng đánh thuế ô tô và xăng dầu, đầu tư tiền vào hệ thống tàu điện ngầm. Ngoài những lợi ích về môi trường của phương tiện công cộng, mọi người còn có thể rèn luyện thể chất bằng cách đi bộ tới các nhà ga. Mỗi người dân Singapore đi 10.000-20.000 bước mỗi ngày mà không cần cố gắng.
Tiếp cận thực phẩm lành mạnh
Chính phủ có các chính sách hỗ trợ cho thực phẩm lành mạnh, khuyến khích mua các loại nguyên chất có nhiều dinh dưỡng thay cho các loại chế biến kỹ.
Các nhà sản xuất giảm lượng đường trong đồ uống có đường và bổ sung nhãn thực phẩm lành mạnh cho các mặt hàng có lượng đường, chất béo và natri hạn chế.
Chăm sóc sức khỏe
Buettner mô tả một bệnh viện ở Singapore là “Khu nghỉ dưỡng Bốn Mùa”. Cách bố trí của bệnh viện giống khách sạn sang trọng với không gian ngoài trời, nhà hàng và lớp học, gắn kết cộng đồng với nhau.
Với trọng tâm là tối ưu hóa sức khỏe của người cao tuổi bằng cách ngăn ngừa bệnh mạn tính, bệnh viện mà Buettner đến thăm có chương trình cử y tá tới cộng đồng. Họ giúp sàng lọc miễn phí và kết nối bệnh nhân với thực phẩm lành mạnh hơn nếu cần.
Các quan chức cũng áp dụng “Thử thách số bước quốc gia”, người dân có thể đổi điểm và sử dụng tại các cửa hàng sau khi đi đủ 10.000 bước mỗi ngày.
Khuyến khích các thế hệ sống chung
Người Singapore được giảm thuế nếu sống cùng hoặc gần cha mẹ già. Yếu tố này khuyến khích các thế hệ trong gia đình ở gần nhau.
Một dự án mang tên Kampung Admiralty được phát triển vào năm 2018 nhằm mục đích kết nối người cao tuổi với thiên nhiên và con người thuộc mọi thế hệ.
Dự án trên có công viên trong nhà, trung tâm biểu diễn, khu ẩm thực, căn hộ và trung tâm y tế; khu chăm sóc người già và trường mầm non được thiết kế cạnh nhau.
“Ở Mỹ, chúng ta tiêu thụ thực phẩm độc hại và sống trong môi trường khuyến khích lối sống ít vận động, cô đơn”, chuyên gia Buettner nói.