Trong phòng khám của bác sĩ tim mạch nổi tiếng Charles Toh Chai Soon là một tấm biển viết tay đặt ở quầy đăng ký. Dòng chữ in hoa viết: CHỈ THANH TOÁN TIỀN MẶT.
Sự tồn tại của tấm biển có vẻ trái ngược với nỗ lực thúc đẩy kỹ thuật số của Singapore. Sẽ hợp lý hơn khi bệnh nhân đến khám thanh toán bằng thẻ. Tủ đựng hồ sơ bên cạnh cao từ sàn tới trần để lưu trữ hồ sơ y tế của bệnh nhân. Các ngăn kéo dán nhãn, hồ sơ đều được viết tay.
Theo CNA, điều đáng ngạc nhiên nhất về phòng khám Charles Toh là người sáng lập, bác sĩ Toh, 93 tuổi, vẫn đang làm việc 6 ngày mỗi tuần. Ông là chuyên gia tư vấn các bệnh liên quan tới tim mạch. “Bạn có thể tưởng tượng mình không làm gì cả không? Rất nhàm chán”, vị bác sĩ nói khi được hỏi về kế hoạch nghỉ hưu.
Bước sang tuổi 93 vào tháng 9 năm ngoái, bác sĩ Toh luôn tuân thủ các thói quen. Mỗi buổi sáng, ông rời nhà lúc 8h và đến nơi làm việc lúc 8h30. Sau đó, ông đến thăm các bệnh nhân đang nằm điều trị. Nếu không có gì bất ổn, ông đến khu dành riêng cho bác sĩ trên tầng hai để ăn sáng trước khi phòng khám mở cửa lúc 9h.
Vào giờ ăn trưa, từ 12h30 đến 14h, ông có thể thực hiện cuộc gọi trao đổi công việc với đồng nghiệp ở xa hoặc dành thời gian nghỉ ngơi. Đôi khi ông đi dạo tới các trung tâm mua sắm.
Buổi chiều, ông tiếp tục công việc, ngoại trừ thứ Bảy, khi ông chỉ làm việc nửa ngày. Trước khi rời bệnh viện, ông thường đến thăm các phòng bệnh một lần nữa.
Bác sĩ Toh tóm tắt tính cách của mình: “khá kỷ luật” và “khá nghiêm túc”. Con trai thứ hai của ông, bác sĩ Toh Han Chong, Phó giám đốc điều hành của Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore, cho biết cha ông “kỷ luật, đúng giờ và chính xác”.
Ví dụ, bác sĩ Toh luôn dắt chó đi dạo buổi tối vào một thời điểm cụ thể. Bạn có thể đặt đồng hồ theo lịch của ông.
Bác sĩ Toh có sở thích và lối sống đơn giản do ảnh hưởng sâu sắc từ Nhật Bản. Trong Thế chiến thứ hai, ông học tại một trường của Nhật Bản ở Ipoh, Malaysia, nơi ông sinh ra. Bữa trưa của ông thường là một hộp cơm bento đơn giản.
Khi theo đuổi nghiên cứu sau đại học ở Anh những năm 1950, bác sĩ Toh chọn chuyên ngành tim mạch vì thích “các thông số chính xác với kết luận dựa trên nghiên cứu đánh giá lâm sàng cố định”.
Sau khi chuyển đến Singapore năm 1960, bác sĩ Toh làm cố vấn tại Khoa Y học Lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Singapore. Trong thời gian tại đây, ông tham gia phát triển Khoa Tim mạch. Bác sĩ Toh cũng là giảng viên nổi tiếng nghiêm khắc.
Sau khi đạt được nhiều thành tựu, đào tạo các chuyên gia y tế trẻ, giờ đây, bác sĩ Toh có thể tập trung vào điều mình yêu thích nhất: Gặp gỡ mọi người.
Vợ bác sĩ Toh đã qua đời hơn chục năm trước và ba người con của ông đều đã có sự nghiệp và gia đình riêng nên ông càng có thêm lý do để tiếp tục làm việc.
Ông cho biết tuổi nghỉ hưu của Singapore “vẫn còn khá trẻ”. “Có nhiều người sau khi nghỉ hưu vẫn tham gia kinh doanh với đồng nghiệp hoặc góp mặt trong một ban giám đốc nào đó”, bác sĩ Toh nói.