Trải nghiệm không vui ngay từ cửa khẩu
Làm thế nào để thu hút đông khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam là vấn đề nóng liên tục được đề cập gần đây. Bởi, sau 1 năm mở cửa hoàn toàn du lịch, có thể nói Việt Nam mở cửa sớm nhất khu vực ASEAN, nhưng năm 2022 chúng ta chỉ đón được 3,6 triệu lượt khách, bằng 70% chỉ tiêu, mới chỉ phục hồi hơn 20% so với 18 triệu khách của năm 2019.
Tại Hội thảo Hiến kế hút khách quốc tế, do báo Đầu tư tổ chức sáng 22/3, TS. Nuno F. Ribeiro, Phó Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, đặt vấn đề, tuy du lịch nội địa là thị trường quan trọng, quy mô gấp 15 lần quốc tế, nhưng khách quốc tế lại chi tiêu rất nhiều, gấp 11 lần khách trong nước.
Do đó, TS. Nuno F. Ribeiro cho rằng, ngoài việc thu hút khách, điều cần làm là để họ quay trở lại 2, 3, 4 lần, biến khách quốc tế thành các đại sứ truyền thông cho du lịch Việt Nam. Theo ông biết, tỷ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam chỉ 8-10%, con số quá nhỏ, trong khi Thái Lan lên tới 70%. Thậm chí, có khách đến Việt Nam chỉ một lần trong đời, dù Việt Nam rất tươi đẹp, an toàn, thân thiện.
Ông Martin Koerner - Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn Đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), nhìn nhận, so với Thái Lan, Indonesia, chính sách visa của Việt Nam còn nhiều hạn chế và phức tạp. Việt Nam cũng chưa thiết lập visa điện tử với một số nước.
Mặc dù Việt Nam gần đây có nhiều tiến bộ về cải tiến thị thực, đặc biệt là những động thái từ phía Bộ Công an về việc mở rộng diện quốc gia được miễn visa và thời gian lưu trú, nhưng hoạt động triển khai lại quá chậm.
Ông cũng nhận xét, trong khi Thái Lan hay các nước ASEAN khác rất thân thiện, khách đến chủ nhà vui mừng, nhân viên nhập cảnh mỉm cười. Còn khách quốc tế đến Nội Bài, Tân Sơn Nhất của Việt Nam, nhân viên có vẻ lạnh nhạt, không thể hiện sự nồng nhiệt chào đón khách.
Chưa kể, ông thấy có nhiều phản hồi tiêu cực từ khách du lịch, khi thời gian chờ đợi ở sân bay quá lâu, quá trình làm thủ tục xuất nhập cảnh kéo dài 2-3 tiếng, gây khó chịu và bất tiện với người già hay gia đình có trẻ nhỏ, doanh nhân bận rộn. Với trải nghiệm ban đầu đã không vui, không được chào đón nên lần sau họ chọn đi nơi khác, như Bali (Indonesia), Thái Lan, Philippines thay vì đến Việt Nam.
Cần nhiều điểm đến như Bali
Về mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm nay, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng giám đốc công ty du lịch Vietravel, tin rằng, du lịch Việt Nam năm nay sẽ hồi phục 80-90% so với trước dịch, bởi có chúng ta đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ các nút thắt. Tuy nhiên, bà Hương quan niệm, số lượng khách không quan trọng bằng việc du lịch hồi phục và chi tiêu của khách thế nào khi đến Việt Nam.
Để thu hút và giữ chân khách, bà nhấn mạnh sản phẩm du lịch mới quan trọng. Bởi, sau Covid-19, thay vì khách Âu chiếm tỷ trọng lớn nay là khách Á, vì vậy cần lựa chọn sản phẩm nào cho phù hợp. Theo bà, Việt Nam nên xác định là điểm đến nghỉ dưỡng biển. Điều này, chúng ta đã làm được với khách Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Mông Cổ,... các quốc gia không có biển. Kết hợp với du lịch thể thao, du lịch hội nghị sự kiện, khi đó, khách sẽ đến quanh năm thay vì chỉ vào mùa du lịch inbound từ tháng 9 năm trước đến 4 năm sau.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Nhân Chính, Tổng Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), dưới góc độ doanh nghiệp làm du lịch, cho rằng cần đặt mục tiêu, tham vọng cao hơn là 8 triệu khách quốc tế để ngành du lịch phấn đấu. Với tốc độ tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam tự tin vượt con số 8 triệu, có thể trên 10 triệu, 12 triệu.
Ngoài số lượng, để thu hút được lượng khách chi trả cao, chỉ cần học tập các nước xung quanh. Ông Chính ví dụ năm 2019, khách đến Việt Nam chi trung bình 1.200 USD/người, thời gian ở 9,1-9,2 ngày. Thái Lan không những đón gần 40 triệu khách, mà chi trả còn rất cao, khoảng 2.400-2.500 USD/người trong khi thời gian lưu trú cũng tương tự Việt Nam.
Từ kinh nghiệm của Indonesia, bà Ance Maylany Napitupulu, Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam, cho hay, Indonesia đang xếp vị trí 32 về du lịch toàn cầu, nhưng ngành du lịch được xây dựng và phát triển từ năm 1970. Quốc gia này được hưởng thụ từ thương hiệu Bali. Từ năm 2015, Indonesia nhận thấy cần nhiều thương hiệu như Bali. Họ xác định có 5 điểm ưu tiên du lịch.
Quốc gia này xác định, du lịch không chỉ mang khách đến mà còn làm khách thấy thoải mái như ở nhà. Do đó, từ năm 2022, Indonesia đưa ra một hệ visa du lịch, thường trú cho khách đến đây ở 5-10 năm.
Tuy nhiên, bà Ance Maylany Napitupulu cho rằng, visa không phải là giải pháp duy nhất thúc đẩy du lịch, mà điểm đến du lịch cần phải được quảng bá. Bali nổi tiếng vì người Úc coi như sân sau của mình, người Singapore coi như ngôi nhà thứ hai của mình. Trong suốt giai đoạn đại dịch, rất nhiều du khách chọn đến Bali để làm việc từ xa.
Cho rằng du lịch Việt Nam đang đi đúng hướng để cải thiện ngành du lịch, bà góp ý Việt Nam cũng nên xây dựng điểm đến du lịch Hạ Long, như Bali của Indonesia. Bà đánh giá đến Hạ Long còn dễ hơn, sạch sẽ hơn, hướng dẫn viên thân thiện hơn,... nên Việt Nam cần phát huy và nhân rộng ra các điểm đến khác, biến các điểm đến này thành thương hiệu nổi tiếng hút khách.