Trước đó, VietNamNet có bài viết phản ánh tình trạng các khách sạn, resort tại Mũi Né, Phan Thiết (Bình Thuận) bị nhiều công ty lữ hành phản ánh có tình trạng chỉ bán phòng cho khách đoàn ở 2 đêm cuối tuần trở lên, chưa kể tình trạng ép ăn 1-2 bữa trong khu nghỉ.

Trên các diễn đàn du lịch, nhiều đơn vị đồng loạt lên tiếng trước thực trạng này và khuyến cáo, nếu các khách sạn ở Mũi Né không thay đổi, du khách sẽ chuyển hướng đi các điểm du lịch khác.

Phản hồi trước thông tin này, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cho rằng “vấn đề này đã vô tình làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của du lịch Bình Thuận”.

Trao đổi với PV, ông Khoa cho hay, khi tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe, đi lại thuận lợi, lượng khách du lịch đến Bình Thuận trong tháng 5 tăng 20%, dự báo cao điểm mùa du lịch hè tăng 40-50% so với cùng kỳ 2022. 

Để đáp ứng lượng khách ngày càng đông, Bình Thuận hiện có khoảng 600 cơ sở lưu trú du lịch, cung cấp 20.000 phòng. Trong đó, trên 10.000 phòng thuộc các resort, khách sạn cao cấp 3-5 sao; số còn lại là các khách sạn trung bình khá.

Bình Thuận hiện có gần 600 cơ sở lưu trú, với công suất gần 20.000 phòng (Ảnh minh họa)

Ông Khoa phân tích, mỗi cơ sở lưu trú có phân khúc khách hàng mục tiêu riêng. Họ có chiến lược bán hàng, quản trị doanh thu khác nhau, đặc biệt là chiến thuật quản trị doanh thu (revenue management) để tối ưu hóa doanh thu và lợi nhuận, trong đó có cả yêu cầu thời gian ở tối thiểu, bữa ăn bắt buộc,... Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch luôn đưa ra cơ cấu giá, số lượng phòng cho từng thị phần trong các khung thời gian cố định (đặc biệt là trong các ngày cao điểm). 

Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cũng lưu ý, việc này diễn ra ở một số chứ không phải toàn bộ các khách sạn, resort.

Hơn nữa, đây cũng không phải là lần đầu tiên, mà các khách sạn, resort ở Mũi Né đã làm từ lâu để tối ưu hóa lợi nhuận.

"Vào mùa cao điểm, đến Mũi Né lại thuận tiện hơn nên khách đã đặt phòng từ sớm, như khách nước ngoài trước cả 3 tháng, khách thân thiết cũng vậy. Do đó, quỹ phòng vào cuối tuần và ngày lễ khó có thể đủ cho các đại lý du lịch với đoàn đông. 

Tuy nhiên, khách đoàn đặt tour qua lữ hành vẫn có thể lựa chọn các phân khúc khách sạn khác, như từ 3 sao trở xuống. Tất nhiên, việc tiếp cận khách sạn của lữ hành giờ khó khăn hơn, khốc liệt hơn do vào mùa cao điểm du lịch hè", ông Khoa nói.

Về việc “bán bia kèm lạc”, tức ép khách đặt ăn trong khách sạn, resort, vị đại diện Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho rằng, cùng với các giá trị gia tăng khác, khách sạn muốn tạo cho du khách có kỳ nghỉ trọn vẹn nhất, không phải ra ngoài ăn. Giá bữa ăn cũng tùy từng khách sạn và mức chi trả của khách. 

Theo ông Khoa, việc bán phòng 2 đêm cuối tuần là chuyện kinh doanh bình thường của các resort, các đại lý du lịch có quyền lựa chọn. Khách lựa chọn đến đây hay Ninh Chữ, Nha Trang là quyền của họ.

Trước đó, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở VH-TT&DL Bình Thuận, khi trả lời VietNamNet cũng cho rằng, các khách sạn, resort ở Mũi Né làm như vậy là không sai. Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thanh Hóa,… nhiều nơi cũng có tình trạng tương tự. Ông lý giải, trong kinh doanh, việc resort ra chính sách không nhận khách ở 1 đêm cuối tuần là để lấy lại vốn những ngày vắng khách.

Giá vàng hôm nay 6/6: Dập dìu tăng giáGiá vàng thế giới tăng trở lại sau báo cáo về ngành dịch vụ tại Mỹ giảm mạnh so với dự kiến. Kim loại quý chưa tìm thấy xu hướng đi mới, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhiều khả năng dừng tăng lãi suất.