Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, đề xuất đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ; tổ chức các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ Nội vụ đề ra trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 27/2022 Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp Bộ Nội vụ đề ra, có nội dung tiếp tục tham mưu đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Trong đó, Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Đồng thời, tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách thành viên Chính phủ trong quản lý vĩ mô và xây dựng chính sách. Cùng với đó là đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển.
Bộ Nội vụ cũng nêu quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với 3 trụ cột chính: Tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số.
Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt; giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương; xây dựng mô hình quản trị chính quyền địa phương phù hợp với từng địa bàn, gắn với yêu cầu phát triển các vùng, khu kinh tế.
Cùng với đó là khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; phân định rõ trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể, đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Một nhiệm vụ quan trọng khác cũng được Bộ Nội vụ đề ra là nghiên cứu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong đó, bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp...
Đồng thời, hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực...
Bộ cũng đề cập đến việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI trình Chính phủ trong giai đoạn 2025 – 2026; Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập vào 10/2023.
Ngoài ra, bộ cũng xây dựng báo cáo về lộ trình cải cách chính sách tiền lương và việc bố trí nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cho cải cách chính sách tiền trình Chính phủ, Bộ Chính trị, Quốc hội trong năm 2023 – 2024.
Bộ máy Chính phủ
Cơ cấu tổ chức Chính phủ thời điểm (2002-2007) có 38 cơ quan gồm 26 bộ ngành và 12 cơ quan trực thuộc. Đến nhiệm kỳ 2007-2011, bộ máy Chính phủ giảm xuống còn 30 cơ quan gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Từ đó đến nay, cơ cấu bộ máy Chính phủ vẫn giữ ổn định như vậy.
18 bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
4 cơ quan ngang bộ: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
8 cơ quan thuộc Chính phủ: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Bộ Nội vụ sẽ tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ từ khóa XII - XV để xác định rõ phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các bộ, ngành; xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa mới.
5 năm thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 Trung ương 6 khóa XII, cả nước đã cắt giảm 25 tổng cục, hiện chỉ còn 13 tổng cục (không tính Bộ Quốc phòng).