Với Việt Nam, việc cựu Thủ tướng Abe Shinzo qua đời là sự mất mát to lớn. Ông là người bạn thân thiết, một nhà lãnh đạo thế giới đáng kính đã nỗ lực đóng góp cho quan hệ Việt - Nhật phát triển tốt đẹp chưa từng có.
Cái tên đầy danh giá
Ông Abe Shinzo năm nay 67 tuổi, sinh ra tại Tokyo trong một gia đình dòng dõi chính trị gia. Ông ngoại ông là Kishi Nobusuke, cũng là Thủ tướng Nhật Bản, người đã có công cải cách Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. Cha của ông Abe từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng: Tổng thư ký đảng LDP, Ngoại trưởng.
Ông Abe Shinzo tốt nghiệp Đại học Keisei và có thời gian du học tại Mỹ. Ông cũng từng làm thư ký cho cha khi cha là Ngoại trưởng Nhật Bản. Ông có tư duy chính trị gia từ sớm khi kinh qua các chức vụ quan trọng trong đảng LDP ngay từ khi còn trẻ như Cục trưởng Cục thanh niên, Chủ tịch Hội xã hội phụ trách an ninh xã hội, rồi Chánh văn phòng Nội các của chính quyền Thủ tướng Koizumi.
Ông cũng là người từng thăm Triều Tiên, chứng kiến cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Koizumi và nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành.
Với việc kế thừa tư duy của chính quyền Koizumi, ông Abe trở thành Thủ tướng trẻ nhất sau chiến tranh của Nhật Bản vào năm 2006. Trong thời gian tại nhiệm, ông đã có đóng góp vào việc thiết lập luật Cải cách giáo dục, luật Bầu cử nhân dân với việc xây dựng thủ tục cải cách Hiến pháp.
Trong giai đoạn 2012 - 2020, với tư cách là Thủ tướng có lịch sử tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản, ông Abe Shinzo ưu tiên tập trung vào khôi phục nền kinh tế đất nước nhằm giảm lạm phát, thực hiện chính sách Abenomics với 3 trụ cột là thúc đẩy tăng trưởng thông qua tăng cường đầu tư tư nhân, minh bạch và thúc đẩy bền vững chính sách tiền tệ, tài chính.
Trong lĩnh vực ngoại giao, ông luôn chủ động và tích cực tăng cường giao lưu. Ông đã thăm 176 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức thành công tại Nhật Bản hội nghị Thượng đỉnh G7 vào năm 2016, G20 tại Osaka vào năm 2019. Sau đó, chính ông Abe Shinzo đã thuyết phục được Tổng thống Obama trực tiếp tới thăm Hiroshima và khu tưởng niệm nạn nhân đã chết vì bom nguyên tử của Mỹ. Bản thân ông là vị Thủ tướng đương chức đầu tiên của Nhật Bản thăm Trân Châu Cảng. Chính điều này đã mở ra một tư duy rộng mở hơn khi nhận thức về quá khứ.
Ở lĩnh vực ngoại giao kinh tế, ông Abe Shinzo có dấu ấn cá nhân đậm nét khi thúc đẩy việc tham gia của 11 quốc gia vào hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mặc dù Mỹ rút lui.
Ông cũng là người tích cực trong việc theo đuổi cải cách Hiến pháp Nhật Bản cho phù hợp với tình hình mới, cho phép sự tham gia của quân đội ở nước ngoài. Quyết tâm này vẫn được những thủ tướng kế tiếp thực hiện.
Tình cảm đặc biệt với Việt Nam
Có thể nói trong quãng thời gian từ 2015 đến nay, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ở giai đoạn tốt đẹp chưa từng có, phát triển trên mọi phương diện với những kết quả thực chất. Đó là nhờ nỗ lực chung của nhân dân, các thế hệ lãnh đạo hai nước, đặc biệt là Thủ tướng Abe Shinzo.
Ông có nhiều tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam. Do đó, ông sẵn sàng tiếp các nhà lãnh đạo Việt Nam, người Việt trong mọi hoàn cảnh nếu có thể. Ngoài nghi thức ngoại giao cao nhất đối với những nhà lãnh đạo cao cấp, ông Abe sẵn lòng tiếp những lãnh đạo cấp thấp hơn để chia sẻ về những phương án hợp tác có lợi nhất cho hai bên.
Tháng 9/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật. Trong chuyến thăm này, lễ đón với nghi thức cao nhất diễn ra tại Phủ Thủ tướng. Trong buổi hội đàm với Tổng bí thư, ông Abe nói: “Tôi rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Tôi đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên tới thăm sau khi tái cử Thủ tướng. Tôi vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển đa dạng trên nhiều lĩnh vực, trên tinh thần đối tác chiến lược”.
Trong các diễn đàn quốc tế, các hội nghị liên quan bất cứ tổ chức tại đâu, Thủ tướng Abe đều gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam nếu có thể. Việc Thủ tướng Abe mời Việt Nam tham gia vào hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Nhật Bản tháng 5/2016, và G20 tổ chức tại Osaka vào cuối tháng 6/2019 đã khẳng định sự coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Trong thời gian tại nhiệm, ông Abe đã có 4 lần thăm Việt Nam. Những chuyến thăm này đều để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng nhân dân Việt Nam, thể hiện quan hệ hợp tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước là thực chất mà trong đó vai trò của Thủ tướng Abe đặc biệt nổi bật.
Tạo dấu ấn lịch sử
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã có những hành động cụ thể, ngoài thúc đẩy viện trợ ODA cho Việt Nam, tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai nước, còn quan tâm tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục. Giai đoạn 2010 - 2020, có năm nguồn vốn từ Nhật Bản lên tới 7 tỷ USD/năm cho Việt Nam. Nguồn vốn này đóng góp to lớn vào sự phát triển của Việt Nam.
Trong lĩnh vực thương mại, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Năm 2019, Nhật là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc), là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc), là đối tác nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc) của Việt Nam.
Kim ngạch xuất nhập khẩu song phương trong 10 năm trở lại đây có sự tăng trưởng khá ổn định. Nhìn chung cán cân thương mại Việt - Nhật trong 10 năm qua tương đối cân bằng. Về đầu tư, năm 2019 Nhật Bản xếp thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD.
Ở lĩnh vực văn hóa, giáo dục… sự hợp tác có những phát triển vượt bậc khi số lượng du học sinh, thực tập sinh tăng gấp nhiều lần trong những năm qua. Giữa đại dịch Covid-19, Nhật Bản vẫn có những chính sách hỗ trợ đối với du học sinh, thực tập sinh người Việt Nam như gia hạn visa, hỗ trợ sinh hoạt, hỗ trợ khám chữa bệnh trong dịch…
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã qua đời, nhưng tình cảm của ông, những việc ông làm cho Việt Nam, những hoạt động ông đóng góp cho mối quan hệ Việt - Nhật mãi là dấu ấn mang tính lịch sử.
Trải qua thời gian công tác khá lâu tại Nhật Bản, có vinh dự là người được tiếp xúc và chứng kiến nhiều sự kiện liên quan đến cựu Thủ tướng Abe Shinzo, tôi có ấn tượng rất đặc biệt về ông. Tôi cảm nhận được rằng ông là người rất gần gũi. Khi bắt tay ông, tôi thấy rất mềm và ấm. Trong các buổi tiếp ngoại giao tôi thường thấy ông cười rất tươi. Tôi học được ông 2 điều, đó là sự chủ động và quyết đoán. Ông rất quyết đoán trong các vấn đề của đất nước, dám chịu trách nhiệm, cố gắng nỗ lực vì sự an toàn và cuộc sống giàu có của nhân dân. Trong ngoại giao, ông luôn chủ động đi trước, tạo dựng được mối quan hệ cá nhân rất tốt đẹp với nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Ông có cảm tình đặc biệt đối với Việt Nam. Tôi chứng kiến có những kỳ họp Quốc hội phải kéo dài, thậm chí bùng nổ bởi những tranh luận dường như không thể kết thúc, nhưng dù muộn, ông vẫn cố gắng gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam và trao đổi những vấn đề cần giải quyết. |
Bùi Hùng (từ Tokyo)