Tại chương trình “Hiểu đúng về bệnh ung thư gan” do Bệnh viện K (Hà Nội) tổ chức, các bác sĩ cho biết, hiện ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi là bệnh đứng đầu ở Việt Nam với số ca mắc mỗi năm gần 26.500 ca, chiếm 14,5% tổng số ca ung thư (theo Globocan - Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế).
Trong đó, 77% số ca ung thư gan là nam giới. Ung thư gan cũng là loại ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với gần 25.300 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Anh Tú - Phó giám đốc chuyên môn, phụ trách cơ sở Tam Hiệp, Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, ung thư gan do nhiều nguyên nhân và nguy cơ.
Tại Việt Nam, tỷ lệ viêm gan rất lớn, ước tính khoảng 15% dân số nhiễm virus viêm gan B, 3% nhiễm virus viêm gan C, 3% cùng nhiễm virus viêm gan B, C.
Những bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B có nguy cơ mắc ung thư gan gấp 15 - 20 lần người không mắc. Vì vậy, tỷ lệ ung thư gan ở Việt Nam rất cao.
Ngoài ra, yếu tố khiến bệnh ung thư gan tăng nhanh là lạm dụng đồ uống có cồn, ăn uống không khoa học, sử dụng thực phẩm nấm mốc chứa aflatoxin.
Hơn 20 năm qua, Việt Nam đã có chương trình tiêm chủng phòng virus viêm gan B nhưng tỷ lệ này vẫn cao. Tiến sĩ Tú cho biết trong tương lai, tỷ lệ nhiễm virus sẽ thấp hơn hiện tại, bệnh ung thư gan sẽ giảm xuống.
Hiện nay, 3/4 số bệnh nhân ung thư gan phát hiện muộn, không thể phẫu thuật, chỉ điều trị tại chỗ. Nếu phát hiện sớm, người bệnh sẽ có kết quả điều trị tốt hơn.
Giai đoạn sớm của bệnh thường không có dấu hiệu, người mắc ít chú ý. Cách đơn giản nhất để phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh là tầm soát bằng siêu âm gan ít nhất mỗi 6 tháng/lần, đặc biệt là những người bệnh có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C…