Theo Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Trung ương dự kiến hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa thành một tỉnh mới với tên tỉnh là Khánh Hòa; trung tâm chính trị – hành chính sẽ đặt tại Khánh Hòa hiện nay.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và Ninh Thuận đã có buổi làm việc tại TP Nha Trang vào chiều nay để thống nhất các nội dung trọng yếu trong đề án hợp nhất hai địa phương.
Hội nghị do Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh đồng chủ trì.
Tại hội nghị, lãnh đạo hai tỉnh đã thống nhất phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền mới theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Các nội dung then chốt như định hướng bố trí trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, kết nối giao thông liên tỉnh, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hậu sáp nhập… cũng được thảo luận kỹ lưỡng và đạt đồng thuận cao.

Tạo điều kiện tối đa về nơi ở, công việc, học tập cho con cán bộ
Một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm tại buổi làm việc là việc bảo đảm ổn định đời sống cán bộ, công chức sau sáp nhập. Ông Lê Văn Bình – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận cho biết nhiều cán bộ đã bày tỏ băn khoăn về chỗ ở, đi lại và việc học hành của con em khi phải chuyển công tác đến Nha Trang. Có trường hợp là mẹ đơn thân, con nhỏ đang học lớp 3, lớp 4 nên càng cần sự hỗ trợ cụ thể về nơi lưu trú, nhập học, sinh hoạt.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân thông tin, tỉnh đã thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh trong nhiều năm. Giai đoạn tới, tỉnh sẽ rà soát đầy đủ hệ thống trường học, đặc biệt là các cấp có áp lực đầu vào lớn như lớp 10, nơi hiện đạt tỷ lệ tuyển sinh khoảng 70%.
Về nhà ở, ông Tuân cho biết Khánh Hòa có nhiều khu vực đã quy hoạch quỹ đất cho nhà ở xã hội. Sở Xây dựng đang xây dựng đề án cụ thể, trong đó ưu tiên các cán bộ đủ điều kiện được thuê mua nhà ở xã hội theo quy định hiện hành.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh nhấn mạnh, công tác tổ chức thực hiện sau sáp nhập cần đặc biệt chú trọng đến việc nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ. Vì thế, ông đề nghị UBND tỉnh chủ trì tổng hợp đầy đủ nhu cầu của cán bộ, bao gồm trụ sở làm việc, nơi ở, phương tiện đi lại và việc học hành của con cái.
“Việc rà soát này phải bảo đảm đúng quy định pháp luật, phù hợp thực tiễn và điều kiện cụ thể của từng cá nhân,” ông Thanh nói.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận khẳng định: “Chỉ khi đời sống cán bộ được bảo đảm, bộ máy mới có thể vận hành ổn định, hiệu quả.”
Khát vọng phát triển mạnh mẽ sau sáp nhập tỉnh mới
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa ông Nghiêm Xuân Thành nhìn nhận, việc sáp nhập Khánh Hòa và Ninh Thuận là chủ trương lớn, đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của người dân hai tỉnh, đồng thời mở ra không gian phát triển mới, dư địa lớn để tỉnh mới “cất cánh”.

Ông đánh giá cao nỗ lực của Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc trong việc hoàn thiện các văn kiện, đề án trong thời gian ngắn với chất lượng cao. Đặc biệt, dự thảo định hướng phát triển tỉnh mới giai đoạn 2025-2030 đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên hai con số, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ và quyết tâm bứt phá.
Liên quan đến chính sách cho cán bộ sau sáp nhập, ông Thành khẳng định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã thống nhất tạo điều kiện tối đa từ công việc, nơi ở đến phương tiện đi lại, tuy nhiên vẫn đảm bảo tuân thủ pháp luật và phù hợp với khả năng ngân sách của hai tỉnh.
Bí thư Nghiêm Xuân Thành đề nghị Tỉnh ủy, UBND, HĐND và các cơ quan liên quan hai tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đảm bảo quá trình sắp xếp, chuyển giao được thực hiện bài bản, không để gián đoạn hoạt động của bộ máy. “Đặc biệt, cần theo sát tâm tư cán bộ, nhất là những người làm việc xa nhà, để họ yên tâm công tác và cống hiến cho một giai đoạn phát triển mới,” ông nhấn mạnh.

|

Chủ tịch Khánh Hòa: Tỉnh mới có bờ biển dài nhất nước tăng trưởng 2 con số trong tầm tay

Bí thư Khánh Hòa nói về sắp xếp cán bộ, tỉnh lỵ khi sáp nhập với Ninh Thuận
