Năm 1978, huyện Cần Giờ tiếp nhận hiện trạng rừng ngập mặn và đất lâm nghiệp, đất đai bị thoái hóa nghiêm trọng; dân cư thưa thớt, nghèo khó, không đủ lao động để trồng rừng trên diện rộng. Với sự quyết tâm của cán bộ, chuyên gia kỹ thuật của địa phương, ngành Lâm nghiệp đã đưa khu đất hoang hóa trơ trụi thành những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn, là lá phổi của TP.HCM.
Cần Giờ có quần thể động thực vật đa dạng có giá trị lớn về bảo tồn đa dạng sinh học. Từ năm 2000 UNESCO đã công nhận Cần Giờ là khu sinh quyển bảo tồn thiên nhiên của thế giới. Cần Giờ có hơn 4.000ha vùng lõi, hơn 47 nghìn ha vùng đệm.
Khu bảo tồn rừng phòng hộ Cần Giờ là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc. Đến nay, Cần Giờ là khu rừng ngập mặn lớn nhất Đông Nam Bộ. Cây đặc trưng là cây Mắm được người dân Nam bộ gọi là cây Sác. Rừng ngập mặn Cần Giờ hàng năm nhận lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai. Đây nơi trú ngụ cho nhiều loài động vật, thủy sinh.
Trong rừng Cần Giờ có nhiều động vật quý hiếm như kỳ đà, rắn, cá sấu, chim nước cần bảo tồn, cấm săn bắt. Đây là điểm đến của nhiều nhà khoa học, học sinh, sinh viên tìm đến nghiên cứu về đa dạng sinh học, nghiên cứu và phát triển các sinh thái quý hiếm, giá trị ổn định carbon của rừng ngập mặn. Giá trị carbon tại rừng Cần Giờ cao hơn các rừng ngập mặn khác. Rừng phòng hộ Cần Giờ có hệ sinh thái nước ngọt và nước mặn, hạn chế thiệt hại do bão lũ, giảm thiểu tác động của sóng biển, nước biển dâng cao, bảo vệ hạ tầng xây dựng và dân cư khu vực ven biển.
Cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km, rừng phòng hộ Cần Giờ là điểm đến của nhiều du khách. UBND TP.HCM đã quy hoạch phát triển rừng Cần Giờ thành khu du lịch sinh thái bền vững của thế giới. Theo hiệp hội du lịch rừng ngập mặn của thế giới đánh giá, Cần Giờ là một trong những khu rừng ngập mặn cải tạo đẹp và rộng nhất thế giới.
Hiện nay, rừng phòng hộ Cần Giờ có nhiều tour du lịch trải nghiệm cho khách như tham quan hồ cá sấu, đầm dơi, sân chim. Nơi đây nuôi dưỡng và bảo tồn loài cá sấu hoang. Du khách có thể thực hiện mô hình câu cá sấu giải trí. Qua các hoạt động trải nghiệm này, các hướng dẫn viên cũng tuyên truyền thêm lịch sử của rừng phòng hộ Cần Giờ cũng như giá trị của việc bảo tồn môi trường rừng.
Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, hiện nay với tiềm năng phát triển du lịch, huyện đã đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch quảng bá du lịch Cần Giờ.
Cần Giờ là nơi duy nhất có biển của TP HCM cùng Khu Dự trữ sinh quyển của thế giới là lợi thế lớn cần khai thác nhưng cũng phải gắn với bảo tồn.
Huyện Cần Giờ đã đẩy nhanh tốc độ phát triển một số lĩnh vực kinh tế then chốt như: nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, sản xuất muối, thu hút du lịch, nông nghiệp và một số dịch vụ nhằm đưa dân chúng thoát ra khỏi sự nghèo đói và từng bước đuổi kịp các quận huyện khác của thành phố.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, phương án sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Cần Giờ là thành phố nghỉ dưỡng du lịch sinh thái chất lượng cao, quy mô 600.000 dân. Hướng tới hơn 50% diện tích tự nhiên của huyện Cần Giờ sẽ là rừng phòng hộ.
Huyện Cần Giờ tập trung triển khai thực hiện các quy định của Luật Lâm nghiệp, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Quy chế quản lý rừng, chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch trồng rừng và cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn TP.HCM. Các kế hoạch xây dựng phương án “Quản lý rừng bền vững đối với rừng phòng hộ Cần Giờ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040" chú trọng định hướng phát triển bền vững rừng ngập mặn Cần Giờ theo hướng đa dạng sinh học gắn với du lịch bền vững.