Methuselah, một cây thông to lớn khoảng 4.853 năm tuổi ở miền đông bang California (Mỹ) đang nắm giữ kỷ lục thế giới cây lâu đời nhất. Tuy nhiên, vị trí này đang bị đe doạ bởi một cây bách khổng lồ nằm sâu trong khu rừng ở Santiago (Chile).
Đó là cây Alerce Milenario, thuộc họ bách Fitzroya cupressoides, loại cây đặc hữu ở phía nam Nam Mỹ. Thân cây khổng lồ có đường kính hơn 4m và cao 28m, có tuổi đời lớn hơn nhiều so với cây thông Methuselah.
Cây già nhất thế giới?
Người ta gọi cây khổng lồ với cái tên thân mật là "Ông cố". Antonio Lara, nhà nghiên cứu tại Đại học Austral, Argentina, thành viên của nhóm đo tuổi cây cho biết cây có tuổi đời hơn 5.000 năm.
Ông cùng Jonathan Barichivich, nhà khoa học ở Chile cùng tiến hành thêm các nghiên cứu chuyên sâu về cây khổng lồ. Jonathan cho biết cây khổng lồ rất thân thuộc với anh, từ thời thơ ấu, anh đã được đưa vào rừng chơi xung quanh cây.
Trong quá trình nghiên cứu, anh cùng đồng nghiệp trích xuất mẫu vật từ cây khổng lồ nhưng do thân cây quá dày nên không thể đến phần giữa, theo Economictimes.
"Khả năng tuổi đời của cây hơn 5.000 năm là 80%. Chỉ 20% khả năng là cây ít tuổi hơn con số đó", anh cho biết.
Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới đang tiến hành các bước kiểm tra để xác nhận xem đây có phải là cây già nhất thế giới hay không.
Ai là người đầu tiên tìm thấy cây đại thụ?
Anibal Henriquez, nhân viên bảo vệ rừng, làm việc ở Vườn Quốc gia Alerce Costero tình cờ phát hiện ra cây vào năm 1972 khi đang tuần tra rừng. Ông qua đời vì cơn đau kim 16 năm sau khi đang cưỡi ngựa đi tuần tra.
Nancy Henríquez, con gái của ông cho biết: "Ông không muốn tiết lộ thông tin với công chúng vì ông biết cây rất có giá trị".
Nhà khoa học Jonathan Barichivich chính là cháu của ông Anibal Henriquez. Anh vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiều nghiên cứu về cây khổng lồ này. Anh cho biết đây không chỉ là cuộc cạnh tranh để lọt vào sách kỷ lục thế giới, cây "Ông cố" còn mang nhiều thông tin có giá trị cho khoa học.
"Cây đại thụ mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Đó là biểu tượng của sự thích nghi, là vận động viên giỏi nhất trong thế giới tự nhiên. Nếu cây biến mất, chìa khoá quan trọng về cách sự sống thích nghi với biến đổi khí hậu trên Trái Đất cũng sẽ biến mất", anh nói.
Vòng quanh thân cây tiết lộ thông tin về những trận mưa, hạn hán, động đất, hỏa hoạn hay bất kỳ "chấn thương" nào mà nó đã trải qua, trong suốt lịch sử phát triển hơn 5.000 năm.
Ban đầu, người ta giữ kín thông tin về cây khổng lồ với khách du lịch. Tuy nhiên, sau khi thông tin được tiết lộ, khách du lịch ở khắp nơi trên thế giới đổ về đây để tận mắt chiêm ngưỡng cây đại thụ. Họ đi bộ xuyên rừng hàng giờ đồng hồ mới đến được vị trí cây bách.
Du khách chụp ảnh, đi vòng quanh cây, thậm chí, bóc vỏ cây mang về làm kỷ niệm. Trong nhiều năm, thân cây dày của nó bị con người cắt xẻ đem về làm nhà, làm đồ gỗ. Điều này gây nguy hiểm cho cây đại thụ.
Sau này, cơ quan chức năng đã phải gia tăng nhân viên an ninh để bảo vệ cây và hạn chế sự tiếp cận của con người.