Làm nghề 5 năm nay, Nguyễn Trần Phong Vũ được mệnh danh là shipper (người giao hàng) "ma xó” ở Hà Nội. Vũ có lợi thế hơn những shipper khác vì sinh ra và lớn lên ở đây. Nhưng hơn hết, Vũ coi việc lê la khắp các ngõ ngách Hà Nội như một thú vui, một cơ hội được trải nghiệm thay vì chỉ là một công việc buộc phải làm để kiếm cơm.
Tuy sống ở Thủ đô nhưng ngày nhỏ, gia đình Vũ không có điều kiện để được đi ăn hàng quán nhiều. Anh nhớ, ngày xưa chỉ mong bị ốm để được ăn bát phở. Vũ bắt đầu công việc giao hàng bằng chiếc điện thoại iPhone 6 và chiếc xe máy đi mượn. Ban đầu, anh chỉ tranh thủ làm vào buổi tối. Sau quen dần và để có thu nhập khá hơn, anh chạy xe cả ngày.
Là người giao đồ ăn, Vũ có cơ hội lê la và biết nhiều quán ăn ngon, mới lạ, nằm trong các ngõ nhỏ heo hút không phải ai cũng biết. Cũng là một người có tâm hồn ăn uống nên Vũ hay trải nghiệm những quán ăn mình từng đến nhận đồ. Nhiều lần chụp ảnh, quay video các món ăn, Vũ được bạn bè gợi ý “làm TikTok”.
Một lần khi tham gia hội chợ ẩm thực, Vũ thử chụp ảnh đăng lên vài hội nhóm thì bài viết được lan tỏa rất mạnh. Từ đó, anh càng có thêm động lực để “dấn thân” vào nghề tay trái này.
Hiện tại, mỗi tuần Vũ sắp xếp để sản xuất khoảng 3 video, bao gồm cả các đánh giá quán ăn và những điều hay dở mà anh gặp trên đường giao đồ ăn. Kênh TikTok của Vũ hiện có hơn 63 nghìn người theo dõi, các video thu được gần 2 triệu lượt xem.
Video: Vũ giới thiệu một quán bún chả ngon trên kênh TikTok của mình:
Vũ nói, anh không phải là một TikToker quá nổi tiếng trong ngành của mình, nhưng anh tự hào khi là một TikToker có bản sắc riêng. Bản sắc riêng của Vũ chính là công việc giao đồ ăn của mình. Còn gì lý tưởng hơn khi một TikToker ẩm thực lại chính là người tiếp xúc với các quán ăn và các món ăn mỗi ngày.
Quán nào đang nổi tiếng, món ăn nào đang được ưa chuộng, Vũ đều biết. Thậm chí, anh còn được vào tận bếp của quán ăn, nhà hàng đó để trực tiếp trải nghiệm. Cũng vì thế mà đề tài chưa bao giờ là một khó khăn với Vũ. Anh có một nguồn tư liệu vô cùng phong phú và độc đáo cho các “khán giả” của mình.
Những người theo dõi và thích Vũ cũng là một tệp khán giả riêng – những người thích sự chân thật, mộc mạc trong cách Vũ chọn quán cũng như trò chuyện.
Vũ thích những món ăn truyền thống thuần Việt, vì thế anh thường chọn các quán bún, phở, cơm… bình dân, có khi là nằm trong tận các ngõ ngách ít người biết đến.
Dần dần, kênh của Vũ được nhiều người biết đến và anh bắt đầu nhận được các đơn đặt hàng đánh giá quán ăn. Vũ chia sẻ, uy tín nằm ở sự chân thật khi đưa ra nhận xét. Chính vì thế, khi đồng ý ăn thử và giới thiệu cho các khán giả của mình một quán ăn nào đó, anh luôn yêu cầu các quán phải làm cho mình đúng như một vị khách thông thường.
Ngoài ra, khi nhận thấy những “điểm trừ” của quán ăn đó, anh luôn sẵn sàng góp ý với chủ quán để họ tham khảo và thay đổi thay vì khen bất chấp.
Vũ kể, có lần anh nhận đánh giá một quán bánh mỳ, bánh ngọt của 2 cô chú. Anh nhận thấy chất lượng bánh rất tốt nhưng có một điểm anh không hài lòng, đó là chủ quán dùng tay không để bốc bánh. Thấy vậy, anh góp ý nhẹ nhàng với chủ quán nên dùng bao tay nilon.
Nhưng không như mong đợi, “chú ấy tỏ ra khó chịu và bảo mình là chỉ cần lo việc của mình, không cần quan tâm chú ấy làm như thế nào. Nói qua nói lại vài câu nữa, chú nói một câu thiếu tôn trọng với mình đại loại là chỉ là thằng giao hàng mà bày đặt…”, Vũ kể.
Sau cuộc đối thoại ấy, Vũ đã từ chối đánh giá quán, một phần vì thái độ thiếu tôn trọng của chủ quán, một phần vì chủ quán không chịu tiếp thu góp ý mang tính xây dựng của anh.
Cũng có cả những chủ quán không có cái nhìn thiện cảm với TikToker. Họ thẳng thừng từ chối để Vũ quay, chụp ở quán mình với lý do “khách đến đông, phục vụ không kịp rồi lại nói này nói kia, sợ lắm”.
Anh chàng giao hàng sinh năm 1993 chia sẻ, những chuyện không mấy vui vẻ như thế thi thoảng anh vẫn gặp. Nhưng ngược lại, anh cũng gặp nhiều niềm vui trong cả 2 công việc làm song song này.
“Có những khi nhận được 5-10 nghìn của khách boa thêm cũng làm mình vui. Có lúc lại nhận được một lời cảm ơn của chủ quán mà nhờ có đánh giá của mình đã có thêm khách”. Đôi khi ra đường, lại có những khán giả theo dõi kênh nhận ra Vũ, khiến anh thấy vui cả ngày. Thậm chí, có cả chủ quán dò hỏi được số của anh, gọi hỏi thăm khi biết anh ốm.
Vũ nói, ngoài những đánh giá được đặt hàng, anh thường hay chọn những quán ăn ngon, nhỏ, lâu đời, đặc biệt là do người lớn tuổi bán để đưa lên kênh của mình.
“Có những cô chú tự nguyện gửi mình phong bì cảm ơn sau khi mình giúp họ có thêm khách, nhưng mình không bao giờ nhận của những người lớn tuổi, già yếu mà vẫn phải bươn chải kiếm cơm. Có những quán nếu lần 1 mình không giúp được thì mình sẽ cố gắng lần 2 để giúp được người ta”.
Có lẽ, bản thân cũng là một người lao động nên Vũ có sự đồng cảm và thấu hiểu hơn tâm tư của những người dân lao động.
Vũ chia sẻ rất thật rằng, những video mang lại hiệu quả lớn nhất của anh lại chính là những video “không đặt hàng”, là những quán ngon anh muốn giới thiệu tới mọi người mà không nhận được đồng tiền công nào. Anh nói, anh chưa bao giờ coi mình là một người đánh giá ẩm thực chuyên nghiệp, mà chỉ dám nhận là một người trải nghiệm để chia sẻ lại góc nhìn của mình với người xem.
“Người xem bây giờ đủ tinh tường để nhận ra đâu là bài gây hiệu ứng để tăng lượng bình luận, tương tác. Tôi không đi theo con đường ‘dìm’ quán để thu hút sự nổi tiếng cho mình, nhưng cũng không khen quá lời so với chất lượng món ăn mà quán mang lại”.
Vũ nói, anh không phải là một TikToker có ngoại hình đẹp, cũng không cố tình bày biện một mâm đồ ăn bắt mắt để thu hút người xem.
“Tôi ăn bao nhiêu sẽ gọi bấy nhiêu đúng như một thực khách bình thường và cố gắng quay thật giản dị, gần với góc nhìn của một thực khách bình thường nhất. Đó là màu sắc riêng, tôi không muốn đánh mất trong những video của mình”.
Cũng giống như nhiều nghề khác, Vũ cho rằng làm nghề phải có tâm. Có những thời điểm, khi anh cảm thấy không có hứng thú đi ăn và đánh giá đồ ăn, hoặc những khi sức khoẻ kém, khó có thể cảm nhận món ngon, món dở, anh sẽ không cố để làm.
“Tôi sẽ chọn nghỉ ngơi và tìm cách làm mới cảm xúc của mình. Hoặc ví dụ, sở thích của tôi là không ăn cá nên tôi sẽ từ chối tất cả những món liên quan đến cá, chứ không phải vì tiền mà vẫn nhận, vẫn khen ngon”.
Ảnh, video: Nhân vật cung cấp