Khởi nghiệp Việt lập chi nhánh ở nước ngoài từ 14 năm trước
Đầu năm 2012, danh hiệu “Đối tác cao cấp chính thức đầu tiên của Google tại Việt Nam” giúp Công ty Cổ phần Quảng cáo thông minh (Clever Ads) - tiền thân của Công ty Cổ phần Clever Group - dần được nhiều người biết tới.
Sau mối “lương duyên” thành công đó, Facebook cũng tìm đến và TikTok cũng trở thành đối tác chính thức của doanh nghiệp Việt này.
Khởi nghiệp khi lĩnh vực quảng cáo số còn khá mới mẻ tại Việt Nam, Nhà sáng lập thế hệ 8x Nguyễn Khánh Trình cùng các cộng sự nhanh chóng giúp Clever Group tạo dựng vị thế tiên phong về các dịch vụ và công nghệ quảng cáo thế hệ mới tại Việt Nam.
“Ngay từ khoảng 13 - 14 năm trước, chúng tôi đã mở chi nhánh ở một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines, Myanmar”, ông Trình chia sẻ thông tin khiến nhiều người cảm thấy khó tin.
“Trong ngành của tôi lúc bấy giờ, ra nước ngoài không có gì khó. Indonesia, Philippines và Myanmar khi đó là những nơi mà thị trường Internet và quảng cáo số còn kém phát triển hơn Việt Nam. Đặc biệt ở Indonesia, với chính sách “mở cửa” cho ngành Internet và các ngành liên quan, thì các doanh nghiệp lớn nhất, doanh nghiệp “tỷ đô” đều là doanh nghiệp nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc… Chưa kể, những nước kém phát triển thường có xu thế “sính ngoại”. Doanh nghiệp Việt Nam khi sang Indonesia, Philippines và Myanmar cũng trở thành doanh nghiệp nước ngoài trong mắt họ. Tất nhiên, đến bây giờ, thời thế thay đổi nhiều. Indonesia tăng trưởng rất nhanh, đã vượt qua nhiều nước. Việt Nam đang ở mức giữa của khu vực Đông Nam Á, có sự phát triển hơn một số nước như Myanmar, Philippines... Chúng ta có ưu thế hơn họ về lực lượng lao động ngành quảng cáo số nên vẫn có nhiều cơ hội khai phá, mở rộng thị trường”, ông Trình lý giải rõ hơn.
Tuy nhiên, Chủ tịch Clever Group cũng thẳng thắn nhìn nhận, không phải doanh nghiệp Việt nào cũng có thể thành công trên hành trình đi ra thị trường quốc tế.
“Khi chúng tôi mở chi nhánh ở Indonesia, cũng có nhiều doanh nghiệp Việt đặt văn phòng công ty game, công ty Internet ở cạnh chúng tôi. Tiếc là chẳng được bao lâu, họ phải đóng cửa về nước. Chúng tôi quan sát thì thấy đặc điểm chung của những doanh nghiệp này là không hiểu các vấn đề về văn hóa bản địa, đặc thù của địa phương”, ông Trình kể lại câu chuyện cũ mà dường như đến giờ vẫn còn tính thời sự.
Khó khăn lớn nhất của ông Trình khi đưa doanh nghiệp khởi nghiệp còn non trẻ của mình vươn ra thị trường quốc tế là vấn đề nhân sự. Hồi đầu, người quản lý chi nhánh nước ngoài đều là người Việt Nam, được chọn và cử sang nước ngoài làm việc. Sau này, giải pháp chọn luôn người bản địa đảm nhận vị trí quản lý chi nhánh đã được áp dụng và cho thấy tính hiệu quả cao hơn.
“Với tôi, con người là một nguồn vốn của doanh nghiệp. Cá nhân tôi chưa bao giờ thiếu tiền vốn để mở công ty, chỉ thiếu người tốt thôi. Có người tốt thì công ty sẽ lớn rất nhanh, và ngược lại, người không tốt sẽ khiến công ty bị phá rất nhanh. Cũng rất khó để tìm người tốt. Nhiều khi chúng tôi nói vui rằng khá hên xui khi tìm được đúng người. Tôi bây giờ 44 tuổi, đã và vẫn đang cố gắng đi gặp những người trẻ, sẵn sàng giao quyền cho những người trẻ có thể giúp doanh nghiệp của mình phát triển”, vị Chủ tịch thế hệ 8x trải lòng.
Đưa nhiều thương hiệu Việt ra thế giới qua kênh thương mại điện tử
Với tổng số hơn 400 nhân sự đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực, Clever Group được đánh giá là thương hiệu khá uy tín trong lĩnh vực digital marketing (tiếp thị số), quảng cáo số.
AGlobal, công ty con của Clever Group, đối tác của Amazon, đã đồng hành hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt xuất khẩu thành công qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong số các case study (trường hợp điển hình), ông Trình rất tự hào khi nhắc tới Kiwi Homie, thương hiệu thủ công mỹ nghệ có quy mô lớn ở Đà Nẵng có tới 15 năm kinh nghiệm kinh doanh sản phẩm làm từ dừa, tre, bèo, cói… - những nguyên liệu rất đặc trưng của Việt Nam.
Trước năm 2020, Kiwi Homie chỉ tập trung vào mảng B2B, xuất khẩu thông qua công ty xuất nhập khẩu ở nước thứ ba, từ đó mới sang các thị trường mục tiêu như Mỹ, châu Âu…, rồi mới đến các nhà bán lẻ (tức là phải qua 3 – 4 khâu trung gian thì sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt mới lên được quầy/kệ ở nước ngoài).
“2 năm nay, Kiwi Homie lên sàn Amazon. AGlobal đồng hành cùng họ từ những bước đầu tiên, giúp họ nghiên cứu tìm ra sản phẩm phù hợp với mỗi thị trường ngoại, phát triển tập khách hàng và tạo kênh bán cho các khách hàng thường xuyên. Rất nhiều sản phẩm độc đáo của Kiwi Homie đã được đưa lên Amazon thành công. Doanh thu năm 2023 xấp xỉ 1 triệu USD là kết quả kinh doanh rất thành công đối với 1 công ty mỹ nghệ nhỏ”, ông Trình cho hay.
TMA Medispores - thương hiệu kinh doanh thực phẩm chức năng men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa – là một case study khác.
“Ra mắt thị trường năm 2021, TMA Medispores đã lựa chọn Amazon để tiếp cận với thị trường quốc tế. Thực phẩm chức năng men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa là hàng hóa nhạy cảm, nhiều đối thủ cạnh tranh. Tại thị trường Mỹ đã có rất nhiều đối thủ mạnh. Thậm chí nhiều người chỉ nghĩ món hàng này xuất từ Mỹ sang Việt Nam chứ làm gì có hàng Việt xuất sang Mỹ. Thị trường ngách dù rất khó khăn nhưng TMA Medispores đã mở bán thành công, tiếp nhận hơn 1.000 review/rating (đánh giá/xếp hạng) tốt, doanh thu tăng trưởng rất cao, trung bình 80 – 120%/tháng. Hơn 3.000 khách hàng đã chọn tính năng Subscribe & Save (khách hàng thường xuyên theo tháng) khi mua sản phẩm của TMA Medispores trên Amazon”, ông Trình dẫn số liệu làm minh chứng cụ thể.
Theo Chủ tịch Clever Group, những sản phẩm thương hiệu Việt đang bán tốt nhất trên Amazon liên quan đến một số ngành như thủ công mỹ nghệ, thực phẩm… Việt Nam có 2 lợi thế cạnh tranh rất lớn: Vùng nguyên liệu giá rẻ và nhân lực giá rẻ.
“Thế nhưng vùng nguyên liệu giá rẻ lại chỉ là vùng nguyên liệu thô. Để biến thành nguyên liệu tinh thì cần công nghệ chế biến, trong khi Việt Nam lại yếu mảng đó. Chẳng hạn sản phẩm liên quan đến tre. Vùng nhiều tre nứa xuất khẩu nhất hiện nay ở Thanh Hóa, Yên Bái... Để biến cây tre, luồng bình thường thành vật liệu siêu cứng, khử hoạt tính thì cần nhà máy với chi phí đầu tư rất đắt tiền. Ta không thể đọ được với Trung Quốc trong việc này mặc dù nguyên liệu thô của chúng ta rất tốt”, ông Trình lưu ý.
“Nhược điểm lớn nhất của chúng ta là sự thiếu chuyên nghiệp trong kinh doanh và vốn. Mặc dù nhân lực giá rẻ nhưng năng suất lao động trên đầu người lại vô cùng thấp. Cho dù chúng ta có nhiều lợi thế nhưng bức tranh xuất khẩu cũng không quá tươi sáng, sản phẩm xuất khẩu của chúng ta vẫn rất bình thường, cạnh tranh ở mức độ hết sức khiêm tốn. 80% số lượng seller (người bán) trước đây trên Amazon là từ Trung Quốc. Sau này Amazon mới sang Việt Nam thúc đẩy người bán Việt Nam. Là đối tác chính thức của Amazon, tôi rất mong số lượng người bán ở Việt Nam bán hàng ra quốc tế tăng lên thật nhiều. Nhưng thực tế phải nhìn nhận mức độ tăng chưa phải quá nhanh như chúng ta mong muốn đâu”, ông Trình thẳng thắn đánh giá.
Bí quyết tránh rủi ro
Qua hơn 1 thập kỷ đồng hành cùng rất nhiều ngành hàng trong hoạt động xuất khẩu trực tuyến, Chủ tịch 8x Nguyễn Khánh Trình nhận diện rõ một số vấn đề cần chú ý khi doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa sản phẩm lên sàn thương mại quốc tế để có thể bán hàng ra nước ngoài.
Thứ nhất, quy định pháp luật của nhiều quốc gia rất khắt khe, thậm chí có tính chất “rào cản”, cần đầu tư nghiên cứu thật kỹ trước khi bắt đầu công việc kinh doanh quốc tế. Điển hình như tại Mỹ, kinh doanh sản phẩm thương mại phải áp dụng theo luật của từng tiểu bang chứ không phải của bang. Các bang ở Mỹ quy định khác nhau về mức thuế VAT, có bang tới 14% nhưng có bang lại 0%.
Thực phẩm bán trên sàn thương mại điện tử Amazon bắt buộc phải có chứng chỉ được cấp bởi FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ), hàng hóa phải có hạn sử dụng trên 6 tháng… Mỹ phẩm phải có MSDS (bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất) để trình báo với hải quan, Test report (báo cáo kiểm thử) của nơi sản xuất, COA (giấy chứng nhận phân tích) của phòng thí nghiệm về những thành phần nguy hiểm… Các sản phẩm dành cho mẹ và bé phải đạt chứng chỉ CPSC dành cho sản phẩm liên quan đến đồ chơi, đồ tiêu dùng.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý chứng nhận/chứng chỉ chất lượng sản phẩm theo từng ngành hàng. Chẳng hạn chứng nhận liên quan đến thực phẩm như: USDA (chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ), Non-GMO (không biến đổi gen ở thực phẩm)… Chứng chỉ liên quan đến mỹ phẩm như: Cruelty-free (không thử nghiệm trên động vật), cGMP (bộ quy định sản xuất xanh – sạch – an toàn của Mỹ)…
Thứ hai, phải nghiên cứu kỹ thông tin thị trường mục tiêu, xu thế tiêu dùng, đặc điểm tiêu dùng… khi kinh doanh ở thị trường nước ngoài. Tại thị trường Mỹ, sản phẩm tầm giá 30 – 70 USD sẽ dễ bán. Người tiêu dùng đọc rất kỹ thành phần sản phẩm nên các công bố hợp quy phải rất rõ ràng. Thói quen đổi hàng, trả hàng trong khoảng thời gian quy định khá phổ biến.
Thứ ba, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới quy định chính sách khác nhau và rất nhiều quy định chi tiết, khó có thể đọc hết. Nhiều khi doanh nghiệp không biết mình đã vi phạm điều nào, tiểu mục bao nhiêu. Vì thế, nên tìm kiếm sự hỗ trợ tư vấn từ các tổ chức, doanh nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm “thực chiến” để tránh rủi ro.
Ngoài ra, các “ông lớn” như Amazon, Google, Facebook luôn đề cao câu chuyện bảo hộ thương hiệu trên nền tảng của họ. Doanh nghiệp Việt phải chú ý đăng ký bảo hộ thương hiệu khi hoạt động trên từng nền tảng cụ thể.
“Nhiều người bán Việt Nam đã thất bại do không nghiên cứu kỹ quy định dẫn đến mất nhiều thời gian khi bị kiểm tra, bỏ lỡ “thời điểm vàng” để tăng trưởng doanh thu, mất thị phần vào tay đối thủ, chịu thiệt hại lớn về tiền bạc”, ông Trình cảnh báo.
“Muốn kinh doanh xuyên biên giới thành công, cần làm 6 việc: Xây dựng thương hiệu toàn cầu; Lựa chọn sản phẩm phù hợp với thị trường mục tiêu; Lên kế hoạch triển khai đồng bộ các kênh thương mại; Tối ưu lại sản phẩm sau các reviews (đánh giá) của khách hàng; Thay đổi bao bì phù hợp với thị trường mục tiêu; Nghiên cứu thông tin về chính sách lưu kho, vận chuyển, thuế quan của các quốc gia”, Chủ tịch Clever Group Nguyễn Khánh Trình đúc rút kinh nghiệm. |