Kết lại phiên chất vấn về vấn đề của ngành lao động, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trong nhiệm kỳ Bộ trưởng lần thứ 2 có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và rất thành thạo trong việc đăng đàn trả lời chất vấn.
“Bộ trưởng nắm chắc vấn đề, trả lời đúng trọng tâm, giải trình thỏa đáng vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Đồng thời Bộ trưởng cũng đề xuất nhiều giải pháp cả về việc hoàn thiện thể chế pháp luật, cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện những nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ LĐTB&XH”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Đi vào vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội giao Bộ LĐTB&XH hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023 và xem xét thông qua vào kỳ họp đầu năm 2024.
“Việc sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm xã hội cần đảm bảo mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân theo Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Ngoài ra, việc sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội còn để khắc phục hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mượn hồ sơ của người khác tham gia bảo hiểm xã hội, thu mua sổ bảo hiểm xã hội của người lao động và các hành vi trục lợi khác. Đồng thời bảo đảm công tác quản lý và đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội an toàn, sinh lời, cân đối thu chi trong dài hạn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Toà án Nhân dân tối cao cùng Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến bảo hiểm xã hội. Đồng thời xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
“Bộ trưởng cũng như đại biểu chất vấn nói là hoàn toàn có cơ sở để thụ lý việc này, chứ không cần phải chờ để bổ sung thêm quy định pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội nói.