Chủ động tiếp cận kinh tế số
Sau phiên livestream vào đầu tháng 9, HTX Leng Su Sìn (xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé) đã có những đơn hàng đầu tiên đặt thành công trên mạng xã hội facebook. Ðây là thành quả của HTX sau khi tham gia lớp tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số do Liên minh HTX tỉnh tổ chức.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, thành viên HTX Leng Su Sìn cho biết: Trước đây, thấy nhiều cá nhân, đơn vị livestream để bán hàng, HTX Leng Su Sìn cũng thử live để quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, do chưa biết cách ứng dụng công nghệ số hiệu quả để thu hút người xem, tăng lượng tương tác, mua hàng nên lượt xem rất ít và chưa tạo được đơn hàng nào trên mạng xã hội.
Sau khi tham gia lớp tập huấn, anh Tuấn áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào việc bán hàng trực tuyến, tạo nội dung tương tác và thu hút khách hàng trên mạng xã hội. Không chỉ qua facebook và zalo, HTX Leng Su Sìn còn bắt đầu làm quen với việc bán hàng qua Google bản đồ và Google doanh nghiệp.
Hiện nay, các thành viên của HTX Leng Su Sìn đã dần tiếp cận ứng dụng công nghệ số và coi đây là giải pháp hữu hiệu cho HTX nâng cao hiệu quả kinh tế.
Còn với HTX Thảo Nguyên (xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa) mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu (từ tháng 8/2023 với 7 thành viên) song đã nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với các lĩnh vực nhân và chăm sóc cây giống hàng năm; buôn bán nông sản đặc trưng địa phương, trong quá trình tham gia tập huấn về chuyển đổi số, HTX đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thương mại điện tử.
Nhờ biết cách mở rộng, tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm, HTX Thảo Nguyên đã thích ứng với xu hướng công nghệ 4.0 trong các khâu, nhất là trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, đến nay toàn tỉnh có hơn 300 HTX với trên 9.700 thành viên, vốn điều lệ hơn 860 tỷ đồng, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại - dịch vụ; xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; vận tải.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ, kết nối đầu ra đã mang đến cho nhiều HTX trên địa bàn cơ hội kết nối, tiêu thụ sản phẩm và trở thành giải pháp hữu ích nâng cao hiệu quả kinh tế.
Số hóa sản xuất, kinh doanh
Ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Nhằm hỗ trợ các HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện số hóa trong sản xuất, kinh doanh, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực tuyên truyền về chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt, thành viên HTX; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công.
Ðồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tư vấn phương án chuyển đổi số phù hợp với thế mạnh của các HTX.
Theo kế hoạch, đơn vị sẽ xây dựng hướng dẫn, hỗ trợ từ 3 - 5 HTX đẩy mạnh chuyển đổi số, sau đó nhân rộng mô hình HTX chuyển đổi số thành công để truyền cảm hứng và tạo động lực cho các HTX khác.
Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Cục Thuế tỉnh, nhà cung cấp dịch vụ internet (Mobile, Viettel...) tổ chức bồi dưỡng kiến thức về chính sách thuế, hướng dẫn sử dụng chữ ký số, hợp đồng và hóa đơn điện tử cho các HTX.
Phối hợp với Viện Khoa học công nghệ và Môi trường, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức 1 lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số cho các HTX.
Ngoài ra, phối hợp đơn vị liên quan hướng dẫn HTX sử dụng chữ ký số và đẩy tờ kê khai thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Với sự tích cực tuyên truyền, hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh cùng sự nỗ lực của các HTX trong chuyển đổi số, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã trang bị hệ thống máy tính để bàn, laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng kết nối mạng internet.
Một số HTX đã ứng dụng công nghệ thông tin thành công vào hoạt động sản xuất kinh doanh như: Sử dụng chữ ký số và đẩy tờ kê khai thuế, áp dụng công nghệ cao vào hệ thống tưới tự động, hệ thống chăn nuôi khép kín, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, kết nối giữa HTX với khách hàng.
Bên cạnh đó, HTX đã biết cách sử dụng thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và bán hàng bằng facebook, zalo, số ít có sử dụng website; tạo lập các mã QR để truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm bằng các ứng dụng phần mềm.
Hiệu quả mang lại là chi phí vận hành giảm, việc tiếp cận khách hàng nhanh hơn, năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng rõ rệt.
Khó khăn hiện nay là còn nhiều HTX, nhất là ở địa bàn vùng cao, vùng xa kiến thức về công nghệ thông tin của người lao động, thành viên HTX còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của HTX lạc hậu, nhiều HTX chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng.
Năng lực, trình độ của cán bộ quản lý còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo. Cùng với đó, năng lực tài chính hạn chế là trở ngại trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất.
Chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể là vấn đề mới, đòi hỏi phải bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên của HTX.
Do đó, thời gian tới Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức tập huấn, đào tạo, hội thảo chuyên đề nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ quản lý HTX về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, tập trung vào kỹ năng tiếp thị; tổ chức cho lãnh đạo, quản lý HTX tham quan các HTX đã sử dụng công nghệ số thành công, từ đó học hỏi, triển khai rộng rãi trên toàn tỉnh.
Ðồng thời, các ngành chức năng cần hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho các HTX, thông qua việc xây dựng các gói hỗ trợ bao gồm các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể hiệu quả hơn.
Theo Mai Phương (Báo Điện Biên Phủ)