Công sở là nơi tôi tìm được những người chị em không chỉ giúp đỡ tôi trong công việc mà còn đối xử với tôi như ruột thịt khi tôi gặp khó khăn trong cuộc sống.
Lời tòa soạn
Chốn công sở, bên cạnh chuyện công việc, chuyên môn, là một xã hội thu nhỏ với đủ hỷ nộ ái ố. Những câu chuyện bên lề nơi công sở đôi khi ảnh hưởng rất nhiều tới năng suất lao động và hiệu quả công việc của các nhân sự.
VietNamNet mở tuyến bài Chuyện khóc cười chốn công sở, mời độc giả chia sẻ những câu chuyện bi hài xung quanh các mối quan hệ ở nơi làm việc của mình. Bài viết xin gửi về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn.
Đọc những bài viết chia sẻ chuyện công sở của mọi người, tôi thấy đâu đó một vài hình ảnh quen thuộc. Nhưng cuộc đời công sở của tôi có lẽ phần nhiều là gặp được người tốt. Những người xấu tính, tôi có gặp, nhưng người tốt vẫn nhiều hơn. Có những người bạn, người anh, người chị mà tôi được gặp và làm việc chung lại chính là những người gắn bó với cuộc đời tôi nhất về sau.
Nhớ lại những năm đầu tiên khi mới ra trường, tôi xin vào một công ty thương mại với vị trí nhân viên phòng Kinh doanh. Mặc dù học ngành Quản trị kinh doanh ra nhưng tính tôi vốn rụt rè, nhút nhát, không ai nghĩ là tôi có thể làm được công việc đòi hỏi sự lanh lẹ, hoạt ngôn này. Bằng chứng là tôi đi phỏng vấn khoảng chục công ty nhưng chỉ có công ty này gọi tôi đi làm.
Khỏi nói, tôi mừng quýnh và quyết tâm sẽ thật chăm chỉ để chứng minh năng lực của mình. Những ngày đầu đi làm, đúng như tính cách vốn có, tôi chẳng bắt chuyện với ai, chỉ ngồi nguyên một chỗ từ sáng đến tối. Ở phòng tôi, các anh chị rất thoải mái, thi thoảng lại tụ tập nói chuyện phiếm, chia sẻ những câu chuyện hài hước với khách hàng mình gặp. Tôi ngồi hóng hớt nghe chuyện cũng phải bật cười và thấy có thể rút ra được nhiều bài học từ những câu chuyện đó. Nhưng cái tính nhút nhát khiến tôi chưa từng chủ động tham gia cùng cả phòng.
Phải đến tận khi chị trưởng phòng gọi tôi ra, hỏi han và khơi chuyện, tôi mới bắt đầu cởi mở hơn và không lạc lõng giữa mọi người nữa. Từ đó, tôi bắt đầu trở nên dạn dĩ hơn, nói nhiều hơn, thậm chí còn được các anh chị khen là có khiếu hài hước.
Khoảng 1 tháng sau khi vào làm, chị trưởng phòng dẫn tôi đi gặp một khách hàng quan trọng cùng chị. Chị bảo, “em không phải làm gì cả, chỉ quan sát thôi”. Đúng như lời chị dặn, cả bữa ăn hôm đó tôi chẳng làm gì, chỉ rụt rè gắp thức ăn, nói vài câu xã giao và quan sát cách chị nói chuyện với khách, vừa khéo léo lại vừa có uy lực.
Khi về đến công ty, chị gọi tôi vào phòng bảo: “Chị dặn để lần sau đi cùng chị hay ai đó thì rút kinh nghiệm nha! Nếu trên bàn ăn, em là người nhỏ tuổi nhất hoặc có chức vị thấp nhất, thì những việc như xếp đũa, rót bia, rót trà… em nên là người làm. Cái đó không phải là phân biệt, mà là phép lịch sự trong giao tiếp, đặc biệt khi mình là người cung cấp dịch vụ, lúc nào cũng phải nhún một bước trước khách hàng”.
Nghe góp ý của chị xong, tôi hơi tự ái. Nhưng về sau, càng đi làm, trải nghiệm nhiều công ty và vị trí khác nhau, tôi thấy góp ý nhỏ của chị đúng vô cùng.
Suốt 3 năm làm việc ở công ty, tôi học được rất nhiều thứ từ các đồng nghiệp và chị trưởng phòng. Dù bây giờ đã làm việc ở chỗ khác nhưng tôi vẫn trân quý khoảng thời gian đó. Nhìn gương chị, khi đã giữ một vị trí lãnh đạo nho nhỏ trong công ty, tôi cũng luôn tâm niệm sẽ dìu dắt những người em mới vào nghề giống như chị trưởng phòng đã từng dìu dắt tôi ngày ấy.
Sau khi nghỉ việc ở công ty đầu tiên, tôi chuyển sang công ty thứ 2 với một vị trí tốt hơn và mức lương cao hơn. Ở đây, tôi lại được gặp những người đồng nghiệp cực kỳ thân thiện và dễ mến. Mọi người sống với nhau chan hòa, sẻ chia, không hề giống với môi trường công sở cạnh tranh, so kè mà mọi người hay tưởng tượng.
Tôi nhanh chóng kết bạn với một người chị khác. Chị hơn tôi 3 tuổi, tính tình rất dễ chịu, phóng khoáng. Nhưng hơn hết, chị chẳng bao giờ tị nạnh, ganh đua với ai. Chị khuyên tôi cứ làm việc hết sức mình, lo việc của mình, vui vẻ với tất cả mọi người, và đặc biệt đừng chia bè kết phái. Chị bảo, nhờ làm theo những nguyên tắc đó mà chị luôn được mọi người yêu quý dù ở bất cứ cơ quan nào.
Càng ngày tôi với chị càng thân thiết hơn, cả trong công việc lẫn trong cuộc sống. Hai chị em hỗ trợ nhau hết mình trong công việc đã đành. Mỗi khi tôi gặp khó khăn trong cuộc sống, chị cũng đều có mặt và dang tay giúp đỡ.
Chị cho vợ chồng tôi vay một số tiền lớn khi chúng tôi cần tiền mua nhà. Chị cũng là người đưa ra những lời khuyên chân thành trong việc đối nội đối ngoại khi tôi mới lấy chồng. Khi con tôi đến tuổi đi học, chị xắn tay tìm hiểu trường này, trường kia để tôi tham khảo chọn lựa.
Khi tôi gặp biến cố lớn nhất trong đời – chồng bị tai nạn giao thông phải nằm viện 1 tháng, chị cũng là người đứng ra cam kết với lãnh đạo cơ quan sẽ gánh vác đỡ phần việc của tôi để tôi yên tâm nghỉ phép. Nếu không có chị, chắc tôi đã bị cho nghỉ việc để cơ quan tìm người khác thế chỗ.
Còn nhiều hỗ trợ khác cả về vật chất lẫn tinh thần mà chị đã dành cho tôi. Thực sự, cho đến giờ, tôi coi chị như một người chị ruột.
Ngày xưa, thời phổ thông hay đại học, tôi cũng có những người bạn thân. Nhưng quả thực, sau khi ra trường, mỗi đứa một nơi, có khi cả năm chẳng hỏi han nhau câu nào. Bây giờ, những người bạn thân tín nhất với tôi lại là những người đồng nghiệp.
Với tôi, công sở đâu chỉ là nơi toàn những đấu đá, bon chen, mà cũng còn rất nhiều những tình bạn đẹp.
Không ít người xấu tính, hay ghen ghét, soi mói từng cử chỉ, lời nói, các mối quan hệ của đồng nghiệp. Họ khiến công sở trở thành một nơi ngập tràn năng lượng tiêu cực.