LTS: Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa nêu quyết tâm, trong năm 2023 thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên trên địa bàn để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận. Báo VietNamNet ghi nhận thực trạng hệ thống công viên, chỉ rõ bất cập, chung tay góp giải pháp hồi sinh các công viên. Thực tế cho thấy, nhiều dự án công viên mới vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi ‘đắp chiếu’, công viên cũ vẫn cảnh bị “xẻ thịt”, lấn chiếm. Thực trạng này đòi hỏi, muốn xây dựng Thủ đô trở thành đô thị xanh, cần thực hiện nghiêm quy hoạch mạng lưới công viên, vườn hoa đã có từ năm 2014 với chủ trương dành quỹ đất phù hợp sau di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cho không gian xanh và ưu tiên đầu tư xứng tầm. Bên cạnh đó, cần quyết liệt giải tỏa, di dời các công trình sử dụng sai mục đích trong công viên, trả lại mảng xanh công cộng. |
Câu chuyện công viên ở Thủ đô được báo VietNamNet nêu liên tiếp các kỳ gần đây khiến không ít người liên tưởng ngay đến vấn đề trách nhiệm của mỗi nhiệm kỳ.
Chuyện công viên bị “xẻ thịt” không phải bây giờ mới được nêu, thậm chí đã được báo chí, dư luận nêu từ lâu, nhưng sau bao năm vẫn là chuyện thời sự. Bởi lẽ những bức xúc đó không được giải quyết triệt để. Và những bức xúc dân sinh tích tụ lâu ngày khiến mọi người nghĩ tới cũng phải bật lên câu hỏi, trách nhiệm thuộc về ai?
Dự án Công viên Tuổi Trẻ, công trình trọng điểm của Thủ đô, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2000, với quy mô 26,4ha, tổng mức đầu tư trên 280 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2002 đến năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu.
Người dân sở tại từ chỗ ngóng đợi một công viên có quy mô, nhưng suốt 20 năm qua, sự trông đợi đó dần trôi theo vô vọng. Với 800 hộ dân trong diện quy hoạch, dự án công viên “treo” trở thành gánh nặng, đẩy cuộc sống của của họ về mức sống tối thiểu. Cụ thể, có nhà đất không được cấp sổ đỏ, không được xây mới, không được tách nhập hộ khẩu, nhiều thế hệ ở chung trong căn nhà ọp ẹp.
Việc thực hiện nửa vời, quản lý, giám sát lỏng lẻo của chính quyền địa phương, ngành chức năng và nhiều lần thay đổi chủ đầu tư đã “đẩy” Công viên Tuổi Trẻ từ một dự án với nhiều kỳ vọng thành một công trình tai tiếng.
“Hiện nay UBND TP Hà Nội đã ủy quyền cho UBND quận Hai Bà Trưng là đơn vị đề xuất điều chỉnh quy hoạch. Hiện quận đang thực hiện các bước điều chỉnh quy hoạch theo quy định để sớm tháo gỡ cho dự án công viên Tuổi Trẻ”, đại diện lãnh đạo quận Hai Bà Trưng từng nói vậy, nhưng thực tế mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ.
Hà Nội không chỉ có Công viên Tuổi Trẻ dở dang, kéo dài nhiều năm mà còn nhiều công trình khác như công viên Đống Đa cũng bế tắc gần 20 năm. Đến nay, nhiều nhà cao tầng đã mọc lên trên đất quy hoạch. Nhiều dự án khác ở Hà Nội cũng vậy, cũng qua mấy đời chủ tịch nhưng nhắc đến vẫn khiến cử tri nản lòng.
Những bức xúc dân sinh như vậy đã được cử tri “kêu” không chỉ một lần, mà qua rất nhiều nhiệm kỳ, rất nhiều cấp và qua cả những phiên chất vấn về trách nhiệm tại HĐND TP, nhưng kết quả vẫn “treo”.
Một dự án chuyển qua mấy đời chủ tịch thành phố, cũng chừng ấy nhiệm kỳ nhưng vẫn không hoàn thành, mà không thấy ai chịu trách nhiệm. Và chắc hẳn một dự án ra đời bao giờ cũng phải cam kết về thời gian thực hiện. Đấy là yếu tố quan trọng để hạch toán tiền. Ở ta cứ chậm một vài tháng, một vài năm là giá cả lại khác.
Khi một ông bí thư, chủ tịch nhậm chức đều có hứa hoàn thành những công việc trong nhiệm kỳ của mình và chịu trách nhiệm trước dân. Vậy nhưng, xét cụ thể từ chuyện Công viên Tuổi Trẻ “treo”, bị “xẻ thịt” làm hàng quán, rồi chuyện đất ở Công viên Đống Đa bị xâm chiếm, mới thấy rất đáng bàn về câu chuyện trách nhiệm, nhiệm kỳ.
Có ý kiến cho rằng, một nhiệm kỳ thành công chính là sự góp sức nâng tầm phát triển của thành phố, làm được nhiều việc cho dân và khiến cử tri nhớ tên mình qua những công trình, dự án có ý nghĩa.
Ngược lại, sẽ lại là “món nợ” với cử tri qua những dự án, công trình gây bức xúc, dây dưa cho người kế nhiệm. Tất nhiên, sẽ có những dự án, công trình vắt qua nhiều nhiệm kỳ, nhưng đó là sự tiếp nối để phát triển chứ không phải “món nợ” tồn đọng.
Chiến lược gì cũng phải bắt đầu giải quyết những nhiệm vụ trước mắt, từ đó mới nói đến chuyện khác hay chuyện dài hơi.
Một lãnh đạo giỏi không chỉ là người có tâm, có tầm, nhìn xa, trông rộng, mà cần giải quyết những công việc cần kíp của nhiệm kỳ mình. Việc hoàn thành nhiệm vụ của nhiệm kỳ này sẽ tạo tiền đề để người kế nhiệm góp sức vào sự phát triển. Suy cho cùng, nói phải đi đôi với làm, đừng nợ cử tri chuyện hợp tình hợp lý nhưng không xử lý để họ bức xúc suốt thời gian dài.