Làm việc với Cục Công nghệ thông tin, Bộ Công an mới đây, Đại tướng Tô Lâm đã có nhiều chia sẻ về tiện ích của cơ sở dữ liệu về dân cư và ứng dụng công nghệ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Tương tác với dân bằng công nghệ
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, khi thực hiện việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bắt buộc lực lượng công an phải nắm được biến động dân cư hàng ngày. Việc này đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ hiện đại.
Từ khi Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào vận hành đã thay đổi căn bản cách quản lý dân cư. Từ quản lý thủ công, bằng giấy tờ nay đổi thành quản lý bằng công nghệ cao và kỹ thuật số.
"Chúng ta có thể biết được độ tuổi lao động hiện nay như thế nào, độ tuổi vàng là bao nhiêu, có bao nhiêu người già, người trẻ, người dân tộc và những nhóm đối tượng này phân bổ ở những vùng nào để có những chính sách phù hợp, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội", Đại tướng Tô Lâm nói.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trước đây, những số liệu nêu trên phần lớn là "chết" khi chỉ nằm trong hồ sơ, không được sử dụng. Mỗi lần tổng điều tra dân số tốn kém rất nhiều nhưng khi thu thập được cũng chỉ là những con số không đầy đủ và không ‘sống’ được. Còn với dữ liệu dân cư hiện nay có thể cập nhật đầy đủ và thống kê hàng ngày.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp lực lượng công an giải quyết hàng trăm thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Những việc này cho thấy sự cải cách, bớt gây phiền hà, bớt gây khó khăn cho người dân. Tạo điều kiện thuận lợi và đồng thời chống tiêu cực, chống nhũng nhiễu và giải quyết được rất nhiều những yêu cầu đặt ra trong thực tiễn.
Tỉnh 2 triệu người nhưng chính sách chỉ cho 1 triệu dân
Từ thực tiễn triển khai và vận hành cơ sở dữ liệu về dân cư, Đại tướng Tô Lâm cho thấy việc quản lý dân cư và áp dụng các chính sách cho người dân vẫn còn những bất cập nhất định.
Một trong số đó là cách các địa phương quản lý con người dựa trên giấy tờ mà không dựa trên số liệu thực tế. Ông Tô Lâm dẫn chứng, có những tỉnh hiện nay dân số theo đăng ký hộ khẩu chỉ hơn 1 triệu dân, nhưng những người lao động ở những vùng khác về hơn 1 triệu dân.
"Như vậy thực tế người dân sinh sống tại tỉnh đó là hơn 2 triệu dân. Tuy nhiên, tất cả chủ trương, chính sách chỉ dành cho 1 triệu dân theo đăng ký hộ khẩu. Điều này ảnh hưởng trên thực tiễn, từ đó đặt ra nhiều bất cập trong các chính sách về xã hội", Đại tướng Tô Lâm nêu.
Ngoài việc giải quyết các thủ tục hành chính thông qua căn cước công dân, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết các đơn vị đang tiến đến cấp số định danh cá nhân cho tất cả mọi người, kể cả trẻ em. Việc cấp số định danh cho tất cả mọi người sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đang vướng mắc trong xã hội.
Khi có số định danh điện tử sẽ không cần đến các giấy tờ khác. Người dân có thể sử dụng điện thoại có kết nối internet là có thể thực hiện các giao dịch vì qua đó có thể xác định được danh tính, pháp nhân.
Dữ liệu sạch giúp chống gian lận
Về việc liên thông dữ liệu dân cư với các bộ, ngành, Đại tướng Tô Lâm cho biết, từng từ chối đấu nối vì dữ liệu đầu vào chưa "sạch" và buộc phải làm sạch dữ liệu mới cho đấu nối.
Cụ thể, tại Bộ Tài chính, dữ liệu của Tổng cục Thuế ban đầu chưa đáp ứng yêu cầu khi có trường hợp một người dân có đến 2 mã số thuế (luật quy định mỗi người chỉ được cấp 1 mã số thuế). Vì vậy, Bộ Công an không cho phép kết nối với cơ sở dữ liệu về dân cư, không tiếp nhận để buộc làm sạch dữ liệu. Việc làm sạch dữ liệu thuế sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước có biểu đồ đánh giá về việc thu thuế.
Đề cập đến việc vay vốn ngân hàng của người dân trước đây gặp khó khăn, từ đó dẫn đến "tín dụng đen" rầm rộ hoạt động - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc đấu nối dữ liệu dân cư với ngân hàng đã tăng tiện ích, giải quyết nhiều bức xúc xã hội.
"Người đi vay tiền chắc chắn họ rất khó khăn. Ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp mới được vay. Người dân đang rất khó khăn và cần tiền để kinh doanh, để thoát nghèo thì lại không cho vay. Khi không vay được buộc họ phải tìm đến tín dụng đen. Tín dụng đen chẳng cần thế chấp vì biết người vay có tài sản, có nhà cửa...", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Từ đó, việc làm sạch dữ liệu dân cư, sau khi liên thông sẽ giúp ngân hàng biết được họ đưa tiền cho ai, rõ nhân thân người vay. Từ đó, ngân hàng cho dân vay tiền bằng tín chấp và bằng pháp nhân của công dân. Làm được việc này thì tín dụng đen sẽ không có đất để hoạt động, từ đó phục vụ rất tốt cho xã hội.
Đại tướng Tô Lâm cho biết, vừa qua có một số bộ, ngành đề nghị Bộ Công an hỗ trợ, giúp đỡ để xây dựng các cơ sở dữ liệu ngành. Bộ Công an rất sẵn sàng hỗ trợ nhưng vấn đề khó khăn nhất là nguồn nhân lực để nuôi sống dữ liệu.
"Dữ liệu thu thập nếu không sạch thì không thể tin được, không sống thì không thể phục vụ được, do đó để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu là rất khó", Đại tướng Tô Lâm nói và cho biết, để làm được đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và toàn thể Nhân dân.