Ngày 7/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Nghiên cứu liên thông giữa nguồn nhân lực khu vực công và tư

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) bày tỏ quan tâm đến chính sách liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung.

Chính sách này phù hợp với thực tiễn và thể chế hóa Nghị quyết số 26 Trung ương khóa 12 về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp chiến lược, phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ mới.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định này lại khác so với quy định của Luật Cán bộ, công chức hiện hành. Do vậy, để triển khai được chính sách này trên thực tế cần phải có rất nhiều những giải pháp để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã. 

nguyenvanhien.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: QH

Trong đó, ông đề nghị trong quá trình triển khai cần lưu ý, xác định các tiêu chuẩn về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức cấp xã phải được nâng cấp tương xứng với vị trí việc làm và tương đương với các tiêu chuẩn, điều kiện của công chức cấp huyện.

Việc này tạo thuận lợi cho việc luân chuyển, điều động giữa cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện. 

Ngoài ra, đại biểu đoàn Lâm Đồng cũng cho biết, Nghị quyết 26 còn có thêm một chính sách về nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách liên thông giữa nguồn nhân lực ở khu vực công và khu vực tư, có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời.

“Theo tôi đây là chính sách rất lớn, rất trúng và rất đúng đắn, tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn chưa thực hiện được”, đại biểu đoàn Lâm Đồng nói.

Do vậy, theo ông Hiển, để thực hiện được chủ trương này, cần có sự đột phá trong quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng lao động.

Việc này bảo đảm cho người lao động khu vực ngoài Nhà nước có cơ hội và điều kiện dễ dàng để làm việc trong khu vực công, nhất là các vị trí quản lý, điều hành cấp sở, cấp phòng, nơi chúng ta còn đang thiếu nhân sự thực sự giỏi. 

Người tuyển dụng, sử dụng lao động trực tiếp thì được quyền linh hoạt, quyết đoán trong việc tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức trên tinh thần có lên, có xuống, có vào, có ra, khen thưởng kịp thời, xử lý trách nhiệm nghiêm minh. 

“Làm được điều này thì sẽ tạo ra sự đột phá rất lớn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực Nhà nước. Do vậy, đề nghị trong tương lai, không phải trong nghị quyết này thì Đà Nẵng sẽ tiếp tục nghiên cứu và có thể tiếp tục là địa phương đi đầu thí điểm và có chính sách đột phá hơn nữa về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công”, ông Hiển kỳ vọng.

Đề xuất dân bầu trực tiếp chủ tịch thành phố 

Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cũng nêu mối quan tâm về tổ chức bộ máy của mô hình chính quyền đô thị. Cụ thể là biên chế được liên thông trong quá trình quy hoạch đào tạo và sử dụng, cơ chế tài chính và quyền hạn giải quyết cái gì của quận và của phường cần sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn. 

“Lần trước tôi cũng mạnh dạn đưa ra một đề xuất, nên chăng thành phố bầu chủ tịch trực tiếp bằng lá phiếu của nhân dân. Khi tôi đưa ra thì có người ủng hộ, có người không ủng hộ. Tôi thấy rằng cần thiết cho nên đề nghị các Đại biểu Quốc hội cũng như Đảng, Chính phủ nên quan tâm”, đại biểu đoàn Nam Định nói.

vutrongkim.jpg
Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định). Ảnh: QH

Theo ông Kim, việc này thực hiện đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất của HĐND, giới thiệu của Mặt trận Tổ quốc và đưa ra ứng cử để tiến hành. 

“Đó là vấn đề trong chính quyền đô thị, tôi rất mong muốn điều đó, nhưng bây giờ cũng chưa thấy gì”, đại biểu Vũ Trọng Kim tâm tư.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Trị) cũng cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền trong quản lý biên chế để phát huy vai trò tự quản, tự chịu trách nhiệm của thành phố trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu quản hoạt động của bộ máy hành chính và chế độ công vụ. 

Ông Hà Sỹ Đồng nêu thực tế, năm 2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98 thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM mặc dù chưa liên thông, thống nhất chế độ công vụ - cán bộ, công chức ở xã, thị trấn và cán bộ ở phường vẫn là “cán bộ, công chức cấp xã” phân biệt với cấp quận, cấp thành phố.

Bước đầu, nghị quyết này đã phân cấp quyền quyết định số lượng biên chế, cơ cấu cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn cho TP.HCM.

Đại biểu ghi nhận dự thảo lần này đã có một bước rất tiến bộ, dù chưa sửa Luật Cán bộ, công chức. Đó là không phân biệt cán bộ, công chức ở xã, phường với cấp huyện, cấp tỉnh.

Cán bộ, công chức làm việc ở phường, xã thuộc biên chế của cấp huyện hay nói chính xác là cán bộ, công chức làm việc ở phường, xã không còn gọi là “cán bộ, công chức cấp xã” nữa mà thuộc tổng biên chế của TP Đà Nẵng. 

Cho nên dự thảo chỉ giao thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức làm việc ở phường, xã tại TP Đà Nẵng cho HĐND TP Đà Nẵng quyết định chưa thể hiện triệt để chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. 

Nếu phân cấp cho TP Đà Nẵng thẩm quyền quyết định một phần biên chế cán bộ, công chức của TP Đà Nẵng thì có thể gọi đó là “phân cấp nửa vời”.  

Ông Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng, trong xu thế đang đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương với chính quyền địa phương, nên mạnh dạn đẩy mạnh phân cấp về quản lý biên chế. 

“Biên chế cán bộ, công chức ở Đà Nẵng theo dự thảo nghị quyết này là một khối thống nhất từ thành phố tới quận, phường. Nên đề nghị Quốc hội phân quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức cho Đà Nẵng, có sự kiểm soát, kiểm tra, thanh tra của Trung ương”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.