SenseNova, bộ mô hình ngôn ngữ lớn mới nhất của hãng, được trang bị nhiều tính năng chủ chốt như thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và sản xuất nội dung. Sản phẩm cũng bao gồm ứng dụng SenseChat có khả năng hiểu nhiều vòng hội thoại và văn bản dài.

Ngoài ra, còn có các ứng dụng khác như tạo hình ảnh dựa trên đầu vào văn bản trong thời gian thực và một sản phẩm có thể lập mô hình chuyển động của con người tạo hiệu ứng động cho hình ảnh kỹ thuật số trong video.

SenseTime được thành lập năm 2014 tại Hồng Kông bởi một nhóm các nhà khoa học máy tính. Công ty này nằm trong số “4 con rồng nhỏ” của lĩnh vực AI đại lục, cùng với Cloudwalk Technology, Megvii và Yitu.

Xu Li, đồng sáng lập kiêm CEO công ty cho biết, khách hàng tiềm năng của SenseTime là các công ty Internet, chẳng hạn như nhà khai thác thương mại điện tử và game online.

Mặc dù ChatGPT không chính thức được phát hành tại Trung Quốc, nhưng điều đó không ngăn cản các doanh nghiệp công nghệ tại đây phát hành những sản phẩm tương tự.

Tháng trước, Baidu ra mắt phiên bản beta của Ernie Bot, chatbot AI chạy trên mô hình học sâu của công ty. Chatbot chỉ khả dụng cho người dùng có mã mời và đến nay nhận nhiều ý kiến trái chiều từ những người dùng đầu tiên.

Alibaba Cloud, đơn vị điện toán đám mây của tập đoàn, tuần trước cho ra mắt chatbot AI có tên Tongyi Qianwen, với mô tả là “trợ lý năng suất và sáng tạo ý tưởng”, có thể tương tác với người dùng thông qua mô hình ngôn ngữ lớn. Đến nay, chatbot này mới chỉ được thử nghiệm bởi khách hàng doanh nghiệp.

Cơn sốt bong bóng?

Ngày 10/4, Nhật báo Kinh tế, tờ báo thành lập bởi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, đăng bài xã luận cảnh báo về “bong bóng thị trường” và “sự cường điệu quá mức” xung quanh các công nghệ AI như ChatGPT. Một số cổ phiếu liên quan đến AI và mô hình ngôn ngữ lớn tại Trung Quốc đã tăng hơn 50% trong 2 năm qua.

Sau khi bài báo được xuất bản, chứng khoán đại lục giảm mức cao nhất 5 tuần trở lại đây, trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ giảm 3,8%, cao nhất trong số 10 nhóm ngành thuộc rổ Chỉ số CSI 300.

Hiện tượng lợi dụng cơn sốt ChatGPT để thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc

Ngay cả những doanh nghiệp công nghệ ít tên tuổi cũng lao vào đua chatbot. Chẳng hạn, một công ty công nghệ xổ số và máy in trụ sở Thẩm Quyến, Hongbo Co cho biết vào tháng 2 rằng, họ đang “phát triển và thử nghiệm” các sản phẩm liên quan ChatGPT. Công ty này đã ra mắt một chatbot vào cuối tháng 3 vừa qua và chỉ cho phép 20 người dùng mới đăng ký thử nghiệm mỗi ngày.

“Các cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, trấn áp hành vi thổi phồng các khái niệm phổ biến và thao túng giá cổ phiếu, đồng thời tạo ra thị trường có trật tự với tiêu chuẩn công bố thông tin đầy đủ để hỗ trợ sự phát triển lâu dài của AI”, trích bài báo đăng trên Nhật báo Kinh tế.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đề cập tới việc một số công ty không hề đạt được đột phá trong công nghệ AI, nhưng cổ phiếu vẫn tăng vọt.

Vào tháng 2, Tân Hoa Xã có bài viết cảnh báo những công nghệ như ChatGPT “dù có lượng cơ sở người dùng lớn, nhưng vẫn chưa có ứng dụng thương mại trưởng thành”, do đó có thể gây ra các vấn đề xã hội như thông tin giả mạo và đạo văn.

Trong khi đó, China Science Daily, tờ báo được hỗ trợ bởi Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc cùng hàng chục cơ quan nghiên cứu hàng đầu khác của nước này, cho hay ChatGPT có thể làm hỏng, thay vì cải thiện phán đoán đạo đức người dùng.

Bất chấp những tranh luận, Wang Xiaochuan, người sáng lập và cựu CEO công ty tìm kiếm Sogou ngày 10/4, vừa tuyên bố thành lập công ty khởi nghiệp Baichuan Zhineng với mục tiêu “tạo ra mô hình ngôn ngữ lớn tốt nhất Trung Quốc vào cuối năm nay”.

Động thái này diễn ra sau khi Wang Huiwen, đồng sáng lập gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan, ra mắt công ty khởi nghiệp AI, huy động thành công 280 triệu USD tính đến ngày 18/2 vừa qua.

Theo SCMP