Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình dự án Luật BHXH sửa đổi trình Chính phủ. Trong đó có đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm.
Liên quan vấn đề này, trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc quy định giảm thời gian đóng BHXH được hưởng lương hưu không có nghĩa là về hưu lương thấp, mà đây là điều kiện tối thiểu để những người tham gia thị trường lao động muộn (tuổi 35-40) có cơ hội được thụ hưởng chính sách hưu trí.
Với những người tham gia BHXH càng dài thì khi đủ tuổi hưu mức hưởng sẽ càng cao, vẫn không có gì thay đổi so với hiện nay.
Bà Hương cũng nêu thực tế, trước đây nhiều người đóng BHXH không đủ 20 năm hầu như “mất trắng”, chỉ được hưởng chế độ một cục (không có lương hưu), đến bây giờ khi về già đa số đời sống đều rất khó khăn.
Do vậy, chính sách hạ mức đóng còn 15 năm được hưởng lương hưu là để giúp người lao động có điều kiện được hưởng chế độ hưu trí khi về già.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, khi đến tuổi hưu người lao động đóng BHXH ngắn thì lương hưu thấp, nhưng vẫn tốt hơn cho người lao động khi về già, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi.
Mục đích của sự thay đổi này nhằm tạo điều kiện cho người tham gia BHXH ngắn được thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá, việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm là để khuyến khích và tạo cơ hội cho người ở độ tuổi trung niên, nam 45 và nữ 40 vẫn có thể tham gia BHXH.
Tuy nhiên, với công nhân tại các khu công nghiệp, việc giảm năm đóng BHXH trong bối cảnh tuổi nghỉ hưu tăng thì họ vẫn phải chờ nhiều năm mới có thể được nhận lương hưu. Vì vậy vẫn chưa giải quyết được tình trạng rút BHXH một lần.
Rút BHXH một lần sai nguyên lý hưởng lương hưu
Về tình trạng người lao động rút BHXH một lần tăng cao thời gian vừa qua, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, tâm lý người lao động khi gặp khó khăn thì nghĩ ngay đến việc rút BHXH một lần, do vậy trước mắt nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ người lao động lúc khó khăn.
Cụ thể, ngoài chế độ bảo hiểm thất nghiệp, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người lao động mất việc vay vốn thông qua “thế chấp” thời gian đóng BHXH để họ vượt qua khó khăn, tiếp tục tham gia thị trường lao động, đóng BHXH.
Bà Hương cũng nói rõ, mục tiêu của đóng BHXH là để tích góp về già có lương hưu. Do vậy chế độ rút một lần là sai cả về phương pháp và nguyên lý hưởng lương hưu.
Khi rút BHXH một lần là người lao động mất hoàn toàn số năm đóng trước đó, trong khi số năm tham gia BHXH thể hiện rõ người lao động được bao nhiêu phần trăm lương hưu.
Theo bà Hương, nếu chính sách để cho người lao động rút BHXH thì chỉ nên cho rút phần người lao động đóng, còn phần của doanh nghiệp cần giữ lại để người lao động có điều kiện tiếp tục tham gia đóng BHXH cho đến khi nghỉ hưu.