BHXH Việt Nam cho biết, người lao động nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, bởi ngay khi hưởng như vậy, người lao động sẽ hết, không được các khoản trợ cấp dành cho người hưởng lương hưu.
Phần tiền người lao động nhận về khi hưởng BHXH một lần nếu so với các quyền lợi sau này nhận lương hưu sẽ hạn chế hơn rất nhiều. Cụ thể, người lao động sẽ không được hưởng 4 khoản tiền “khủng” nếu rút BHXH một lần, gồm:
Thứ nhất, không được hưởng lương hưu. Người lao động tham gia đóng BHXH đủ 20 năm, khi hết tuổi lao động, đủ điều kiện nhận sẽ được hưởng các quyền lợi về lương hưu. Lương hưu được hưởng hàng tháng. Mức lương hưu cũng không cố định suốt đời, mà được điều chỉnh tăng theo điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi. Đơn cử dù 2 năm qua ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng từ ngày 1/1/2022 lương hưu vẫn được điều chỉnh tăng thêm 7,4%.
Thứ hai, không được cấp thẻ BHYT miễn phí. Chi phí y tế chiếm tỷ lệ lớn trong đời sống người cao tuổi. Khi đó, BHYT là thiết yếu, đặc biệt cho người đang được hưởng lương hưu.
Người đang hưởng lương hưu sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí từ cơ quan BHXH, nên họ không phải lo lắng về chi phí y tế khi về già.
Ngoài ra, người hưởng lương hưu đi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến với loại thẻ này sẽ được quỹ BHYT thanh toán đến 95%, người bệnh chỉ phải đồng chi trả 5%. Trong khi nếu tham gia BHYT hộ gia đình thì chỉ được quỹ này thanh toán ở mức cao nhất là 80% chi phí khám chữa bệnh.
Thứ ba, thân nhân không được hưởng trợ cấp tử tuất. Người lao động nghỉ việc, rút BHXH một lần, không đảm bảo quá trình tham gia BHXH từ 15 năm trở lên, chẳng may qua đời, thân nhân sẽ không được hưởng khoản này.
Luật BHXH năm 2014 quy định, nếu người đang hưởng lương hưu hoặc chưa đến tuổi nghỉ hưu mà đóng BHXH 15 năm trở lên (chưa rút BHXH một lần) chẳng may qua đời thì có tối đa 4 người thân được nhận trợ cấp hàng tháng với mức bằng 0,5 tháng lương cơ sở cho mỗi người. Nếu thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tử tuất hàng tháng bằng 0,7 tháng lương cơ sở.
Mức trợ cấp hàng tháng này dành cho những người thân, người phụ thuộc vào họ như: con cái (chưa đủ 18 tuổi), vợ/chồng, cha mẹ hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có trách nhiệm nuôi dưỡng…
Ngoài ra, nếu rút BHXH một lần, người thân cũng không được nhận tiền mai táng phí. Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động đóng BHXH đủ 12 tháng trở lên, người đang hưởng lương hưu, người đang bảo lưu quá trình tham gia BHXH (nghỉ việc nhưng không rút BHXH một lần) mà qua đời thì thân nhân lo mai táng cho họ sẽ được nhận trợ cấp mai táng.
Khoản tiền trợ cấp mai táng được cơ quan BHXH thanh toán một lần cho thân nhân của người lao động với mức bằng 10 tháng lương cơ sở.
Đây là một khoản tiền không nhỏ khi người tham gia BHXH qua đời vì mức lương cơ sở luôn được điều chỉnh tăng theo tốc độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Hiện tại, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng thì mức trợ cấp mai táng là 14,9 triệu đồng. Từ ngày 1/7 tới đây, khi lương cơ sở tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng thì mức trợ cấp mai táng cũng tăng lên thành 18 triệu đồng.
BHXH Việt Nam khuyến cáo người lao động, nên cân nhắc kỹ và nghĩ đến các quyền lợi được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động, đặc biệt khi thời gian tới điều kiện về số năm đóng BHXH để được nhận lương hưu sẽ giảm từ 20 năm hiện hành xuống 15 năm, và định hướng còn 10 năm.