Chiều 18/4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra sửa đổi. Trình bày tờ trình của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự luật quán triệt quan điểm: Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới.
“Ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra”
Theo Tổng Thanh tra, mục đích hoạt động thanh tra nhằm kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước. Vì vậy, dự thảo Luật Thanh tra lần này đề cao vai trò và rõ trách nhiệm hơn của Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra.
Liên quan đến vấn đề tổ chức, ông Phong cho biết, dự luật kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra cho phù hợp với thực tiễn quản lý của các bộ, ngành, địa phương. Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm thanh tra Chính phủ, thanh tra cấp tỉnh, thanh tra cấp huyện.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí việc tổ chức các cơ quan thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh như hiện nay. Tuy nhiên, về thanh tra cấp huyện, trong Thường trực Ủy ban còn có hai nhóm ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của thanh tra hành chính ở cấp huyện phù hợp với yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, khắc phục bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thanh tra.
Qua đó, nhiều đại biểu đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện. Điều này sẽ góp phần giảm đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; khắc phục tình trạng “dàn đều” về biên chế của các cơ quan thanh tra cấp huyện. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với ý kiến này.
Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai tán thành với dự thảo luật, tiếp tục duy trì thanh tra cấp huyện như hiện nay. Lý do, tổ chức thanh tra hành chính ở cấp huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định lâu dài, cơ bản đến nay vẫn phù hợp.
Việc duy trì, củng cố cơ quan thanh tra hành chính ở cấp huyện để tham mưu, giúp UBND cấp huyện về công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là cần thiết; bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra”.
Không thể thiếu thanh tra cấp huyện
Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Chính phủ trình là giữ nguyên cấp Chính phủ, cấp tỉnh, cấp huyện. Ủy ban Pháp luật đa số đề nghị bỏ thanh tra huyện, chỉ còn 2 cấp Chính phủ và tỉnh với một số lý do huyện ít việc, ít biên chế. Vì vậy, ông đề nghị thường vụ cho ý kiến, bởi vì còn liên quan nhiều luật khác.
Theo ông, thanh tra không chỉ làm thanh tra mà còn giúp UBND huyện làm khiếu nại tố cáo, làm phòng chống tham nhũng. “Bỏ thanh tra huyện đi ai giúp huyện làm các việc đó. Chưa kể, huyện giờ rất rộng như TP Thủ Đức, 3 quận gộp vào thì dân số rất đông, bao nhiêu công việc. Hay TP Hạ Long nhập huyện Hoành Bồ thì riêng huyện Hoành Bồ tôi đi rộng bằng tỉnh Bắc Ninh”, Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Ngoài ra, theo ông Định, nếu bỏ thanh tra cấp huyện thì phải sửa bao nhiêu luật khác liên quan.
Góp ý nội dung này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, khi nói đến thanh tra cấp huyện có quan điểm so sánh cơ quan này giống mô hình HĐND, cho rằng cấp này là hình thức. Tuy nhiên, theo bà Thanh, đó là do cách tổ chức chưa tốt, hoặc do bố trí lực lượng còn mỏng.
Vì vậy, bà đồng tình với việc tiếp tục duy trì hệ thống thanh tra các cấp như hiện nay, trong đó có thanh tra cấp huyện, song cần tăng cường đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả cho thanh tra cấp huyện.
“Nếu các vụ việc được giải quyết ngay từ cơ sở sẽ không phát sinh, tồn đọng, bức xúc kéo dài, hay đù đẩy và trở thành gánh nặng cho cấp trên”, bà Thanh nhấn mạnh.
Đồng ý với mô hình thanh tra ba cấp như hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, không nên bỏ. Vì thanh tra cấp huyện thay mặt nhà nước để thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, giải quyết khiếu nại tố cáo…
“Nếu bỏ thanh tra cấp huyện thì ai làm vấn đề này? Chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ”, ông Mẫn Lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, thanh tra cấp huyện là cấp không thể thiếu. Tổ chức hệ thống thanh tra, phải chăng đang theo hình nón lộn ngược, ở trên nhiều, dưới ít. Thực tế thanh tra cấp huyện biên chế, tổ chức con người ít trong khi việc ở dưới lại nhiều hơn”.
Vì vậy, ông đề nghị cần tăng cường nguồn lực cho thanh tra cấp huyện. Đây là cấp hành chính đang phát triển mạnh, đô thị hóa nhanh, dân số đông.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, luồng ý kiến cho rằng chỉ nên để thanh tra cấp Trung ương và cấp tỉnh liên quan đến chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, định hướng tầm nhìn 2030.
“Tôi nghĩ cái này nên để Quốc hội thảo luận, mình chưa nên chốt chặt”, Chủ tịch Quốc hội nói. Ông đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần lý giải sâu hơn vấn đề này, quan trọng cần lập luận vì sao là 2 cấp, hay 3 cấp. Việc này cũng không nên nề hà quá vào chiến lược đã ban hành bởi đây “chỉ là văn bản mang tính định hướng”.
Thu Hằng