
"Vi làng Chăm" giữ nét văn hóa cho thế hệ trẻ
Từ lâu, nhiều người vẫn mặc định rằng, người gắn bó với việc giữ gìn, trao truyền văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số thường là các già làng - những người đàn ông lớn tuổi, am hiểu phong tục, tập quán.
Thế nhưng, tại làng Chăm thuộc xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, câu chuyện gìn giữ văn hóa lại được trao gửi nơi chị Wa Hi Da Bi Vi (SN 1986), dược sĩ công tác tại trạm y tế xã.

Khi còn trẻ, chị Vi đã được người dân trong làng trìu mến gọi là “Vi làng Chăm”. Bởi lẽ, ngoài công việc chuyên môn tại trạm y tế, chị còn là “cầu nối” đưa những nét đẹp văn hóa Chăm đến gần hơn với thế hệ trẻ trong làng.
Chị Vi kể, từ nhỏ chị đã được sống trong không gian văn hóa truyền thống dân tộc. Những điệu múa, câu hát, trang phục, phong tục... như ngấm vào máu thịt. Ngày rời làng lên thành phố học tập, chị luôn nhớ về quê hương. Và khi cầm trên tay tấm bằng dược sĩ, chị quyết định trở về, gắn bó với nơi mình sinh ra và lớn lên.
Vào cuối tuần, chị Vi lại cùng khoảng 20 em thiếu niên trong làng về Nhà văn hóa dân tộc Chăm để tập múa. Tuy nhiên, hành trình giữ gìn văn hóa của chị Vi không hề dễ dàng. Có những em nhỏ ban đầu tỏ ra chán nản, cho rằng việc tập múa theo phong cách dân tộc này là cũ kỹ, không hợp với tuổi trẻ ngày nay.
Chị Vi sau đó đã kiên trì, gặp gỡ từng em, trò chuyện, giải thích về ý nghĩa của từng động tác múa, về giá trị văn hóa dân tộc ẩn sau mỗi bước chân, mỗi động tác vung khăn, lắc tay. Dần dần, những bài múa sau đó được các bạn nhỏ trong làng trình diễn tại các sự kiện văn hóa, lễ hội địa phương, mang lại niềm tự hào cho cả cộng đồng.

Em Pha Ti Hah (SN 2009) nhớ lại: “Ban đầu em thấy điệu múa rất khó, cứng nhắc và muốn bỏ cuộc. Nhưng nhờ cô Vi kiên nhẫn hướng dẫn, động viên nên em mới theo được tới bây giờ”. Giờ đây, Pha Ti Hah đã múa thành thạo nhiều bài múa của dân tộc Chăm, tự tin biểu diễn trong các dịp lễ hội.
Người phụ nữ viết tiếp văn hóa Chăm
Không chỉ truyền dạy những điệu múa cha ông để lại, chị Vi còn sáng tác thêm nhiều bài múa mới, lấy cảm hứng từ sinh hoạt đời sống, lễ nghi của cộng đồng người Chăm. Những điệu múa mới này được đội múa làng Chăm biểu diễn trong các hội thi cấp xã, huyện, tỉnh và giành nhiều giải cao.
Mỗi dịp địa phương tổ chức sự kiện, chị Vi lại đăng ký cho đội múa tham gia biểu diễn. Với chị, được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, được biểu diễn những điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc trước đông đảo mọi người chính là niềm hạnh phúc lớn lao.
“Điểm đặc trưng của múa Chăm chính là sự uyển chuyển của đôi tay, chiếc khăn và từng động tác cơ thể. Đây không chỉ là nghệ thuật, mà còn góp phần gắn kết cộng đồng, giữ hồn văn hóa trong thời đại mới”, chị Vi chia sẻ.

Không chỉ là người được đồng bào yêu quý gọi bằng cái tên trìu mến "người giữ hồn văn hóa Chăm", chị Wa Hi Da Bi Vi còn đảm nhiệm vai trò Phó bí thư Chi bộ ấp 4, xã Xuân Hưng. Trên cương vị này, chị tích cực tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe, khuyến khích mọi người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh, thay vì tự ý mua thuốc về dùng.
Bên cạnh đó, chị còn phối hợp với các đoàn thể địa phương tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề chú trọng phổ biến kiến thức về các loại bệnh thường gặp, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em và phòng chống các dịch bệnh theo mùa.
Tận tâm với cộng đồng, đam mê gìn giữ văn hóa dân tộc, chị Vi đang từng ngày viết tiếp câu chuyện nữ dược sĩ giữ hồn văn hóa Chăm, vừa đóng góp tích cực vào sự phát triển ở địa phương.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chúc Tết đồng bào Khmer ở Trà Vinh
