Quan sát kĩ loạt báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của VCCI nhiều năm qua có một điểm đáng chú ý, khi phân tích trải nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh Việt Nam đã cho thấy cơ sở hạ tầng chưa phải là một lợi thế so sánh của Việt Nam trong so sánh với các quốc gia cạnh tranh khác, dù đã có những ghi nhận cải thiện đáng kể trong các năm gần đây.
Chất lượng hầu hết các loại cơ sở hạ tầng nhìn chung chậm cải thiện, với xu hướng đi ngang hoặc thậm chí giảm trong năm qua.
Một đánh giá tương tự của Diễn đàn Kinh tế thế giới về chất lượng hạ tầng của các quốc gia cũng cho thấy sự kém cạnh tranh của Việt Nam so với những quốc gia trong khu vực. Việt Nam đứng thứ 77 về chất lượng hạ tầng tổng thể, 103 về đường bộ, 83 về cảng, thứ 103 về vận tải hàng không và thứ 87 về cung ứng điện. Đứng sau các quốc gia so sánh trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, và Thái Lan là các quốc gia Việt Nam đang cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Các kết quả đó nhìn chung kém cạnh tranh hơn khi nhà đầu tư đặt lên bàn cân so sánh với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan.
Chính vì vậy, một đô-la đầu tư của Việt Nam tạo ra tăng trưởng thấp hơn so với Trung Quốc, Hàn Quốc hay Singapore ở thời điểm họ có cùng mức thu nhập theo đầu người và cùng trình độ phát triển.
Thực trạng hiện nay là ngân sách đầu tư thực hiện luôn thấp hơn dự toán, chỉ giải ngân được trung bình 77% dự toán phân bổ trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2022. Chênh lệch lớn giữa số dự toán và số thực giải ngân là 23%, kèm theo đó là tình trạng chi đầu tư bị chuyển nguồn ở mức cao, đã và đang cao hơn hẳn so với nhiều quốc gia so sánh, và cách xa so với thông lệ quốc tế tốt là dưới 5%.
Những bất cập trong công tác quản lý đầu tư công cũng được thể hiện qua tình trạng chậm tiến độ và đội vốn ở mức cao. Ngân hàng Thế giới đánh giá về một số dự án giao thông quy mô lớn trong đó có 15 dự án chậm tiến độ bình quân lên đến năm năm, với mức đội vốn bình quân lên đến gấp đôi so với dự toán kinh phí ban đầu ở giai đoạn thiết kế và phân bổ ngân sách.
Một ví dụ điển hình về yếu kém cơ sở hạ tầng có thể kể đến như sự cố thiếu hụt điện nghiêm trọng tại miền Bắc Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023, gây ra nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tại nhiều địa phương ở miền Bắc, việc cắt điện luân phiên buộc phải diễn ra, thậm chí cắt điện ở các khu công nghiệp.
Mất điện khiến máy móc, dây chuyền sản xuất không thể sử dụng, làm giảm năng lực sản xuất của doanh nghiệp, gây khó khăn cho việc đáp ứng các đơn hàng theo đúng tiến độ.
Mất điện cũng khiến các chi phí sản xuất khác của doanh nghiệp gia tăng đột xuất như việc sắp xếp lại ca làm việc, điều chỉnh nhân sự trong những thời điểm không có điện. Điều này đã tạo ra những hiệu ứng tiêu cực cho môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Qua đó cho thấy chất lượng cơ sở hạ tầng ở nước ta đã cải thiện nhưng dường như vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. Vì vậy, để đạt những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao đặc biệt là hạ tầng giao thông.