Sáng 15/8, tại phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, nhiều đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến công tác cán bộ trong lĩnh vực tư pháp.
Đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết hiện nay “còn một số nơi cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong công tác tham mưu xây dựng thể chế”.
Tử đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân chính của vấn đề trên và giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?
Cán bộ có xu hướng giải thích để "tiện cho mình"
Trả lời, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận tình “trạng sợ trách nhiệm là có và không chỉ ở Bộ Tư pháp”.
Bộ trưởng cho rằng, để lượng hóa việc này rất khó. Thực tế có tình trạng cán bộ không làm được hoặc ngại làm thì nói “do tổ chức thực thi pháp luật” mà nhiều ý kiến cũng nhìn nhận rằng "khâu yếu là tổ chức thi hành pháp luật”.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp không phải như vậy. Một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng “tiện cho mình”, hoặc hiểu về pháp luật còn chưa thống nhất, có tình trạng hành chính hóa...
Bộ trưởng Tư pháp cho biết, Bộ Nội vụ được giao ra Nghị định về bảo vệ người dám nghĩ dám làm nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết bởi đây chỉ là nghị định còn những vấn đề liên quan lại ở tầm luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, nhiều năm qua nguồn nhân lực cho xây dựng, hoàn thiện thể chế chưa có sự đột phá, nhất là pháp chế. Đại biểu đề Bộ trưởng Bộ Nội vụ có giải pháp tổng thể, mang tính đột phá gì cho vấn đề này?
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện đội ngũ pháp chế trên cả nước có khoảng 10.000 người, trong đó 3.000 người làm pháp chế chuyên trách, 7.000 người kiêm nhiệm. Các bộ ngành Trung ương có 89 tổ chức pháp chế và 65 phòng pháp chế ở địa phương.
Bộ trưởng nêu thực tế, gần 10 năm qua, việc tăng cường vai trò của pháp chế được bàn đến nhiều nhưng đi vào thực tế thì vẫn vướng. Trong khi đó, số lượng pháp chế đang rất mỏng, nếu nhân số lượng các văn bản quy phạm pháp luật cần triển khai thì khó đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, một số bộ ngành không ưu tiên cho pháp chế.
Giải pháp quan trọng nhất theo ông Long là làm sao xây dựng được một chức danh như pháp chế viên để từ đó theo tiêu chuẩn chế độ chính sách sẽ cải thiện tình hình. Hiện, Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo nghị định về nội dung này.
Quyết tâm công phá tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm
Chia lửa với tư lệnh ngành Tư pháp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận, đúng như đại biểu nêu, lực lượng pháp chế viên, giám định viên hiện còn có những hạn chế, khó khăn. Đặc biệt là số lượng còn mỏng, chất lượng còn nhiều khó khăn, tổ chức bộ máy còn bất cập nhưng hơn nữa là chế độ chính sách có mặt chưa đảm bảo yêu cầu.
Về nguyên nhân theo Bộ trưởng Nội vụ có nhiều, trong đó với cá nhân tôi có 2 nguyên nhân cơ bản.
Thứ nhất trong thời gian qua thực hiện chủ trương về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế cho nên các tổ chức pháp chế địa phương cũng phải sắp xếp lại, các phòng pháp chế của Sở Tư pháp sắp xếp lại, giảm đầu mối bên trong cho phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Nguyên nhân thứ 2, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận đây là lĩnh vực khó, phức tạp, nhạy cảm. Trong khi để tuyển dụng được lực lượng tham gia trực tiếp vào lĩnh vực này cũng không dễ; bởi chính sách khó khăn, nhưng đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ sâu.
“Tôi với Bộ trưởng Tư pháp thống nhất xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trên lĩnh vực tư pháp nói chung, trong đó có đội ngũ pháp chế viên, giám định viên giai đoạn 2023 – 2030, trong đó chú ý đến công tác tuyển dụng, sử dụng, các chính sách có liên quan; chú ý đến công tác đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ này đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin.
Hiện nay 2 bộ đang hoàn tất thông tư hướng dẫn vị trí việc làm và khung năng lực mô tả vị trí việc làm với pháp chế viên, giám định viên. Từ đó để có cơ sở xác định biên chế cho 2 lực lượng này.
“Tôi và Bộ trưởng Lê Thành Long cũng trăn trở, băn khoăn rất nhiều về chế độ chính sách với 2 lực lượng này. Chính sách hiện còn rất thấp, không phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nhưng để sửa bây giờ thì rất khó. Vì hiện đang chuẩn bị lộ trình cải cách tiền lương. Vì vậy chúng tôi thống nhất, tới đây thực hiện cải cách tiền lương sẽ đưa chính sách đặc thù đối với đội ngũ pháp chế viên và giám định viên cả tiền lương và phụ cấp cho phù hợp”.
Liên quan đến thực trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong rằng “đây là nhiệm vụ cần phải thực sự quyết tâm công phá tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm”.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Nội vụ đã trình nghị định khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để cố gắng trong tháng này ban hành.
“Trước mắt tạm thời có nghị định để thực hiện, sau này trên cơ sở sửa đổi một số luật liên quan sẽ giải quyết vấn đề cơ bản, căn cốt cho khó khăn, đảm bảo cán bộ thuận lợi trong thực thi công vụ”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.