Ngày 10/10 hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ chọn là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây là dịp khơi dậy và lan tỏa niềm tự hào dân tộc, thổi bùng lên nhiệt huyết và tinh thần đóng góp cho dân tộc, đất nước bằng sự đổi mới, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả những chương trình, nhiệm vụ để chuyển đổi số thành công. Báo VietNamNet thực hiện tuyến bài về Ngày Chuyển đổi số quốc gia để phần nào phản ánh, ghi nhận những nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước cho tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia sốBài 1: Ngày Chuyển đổi số quốc gia: Nâng nhận thức để ‘không ai bị bỏ lại phía sau’

Ngay đầu năm nay, khi chia sẻ với báo chí nhằm thông tin về những sự chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, đã nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác tổ chức thi.

Sở dĩ ông Chương sớm có khẳng định này bởi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, trên cả nước có gần 1 triệu thí sinh (chiếm 93,1%) thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến.  Điều này đã giúp công tác tổ chức kỳ thi không chỉ tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng chi phí cho người dân mà còn là sự hiệu quả trong quá trình thực hiện.

W-tuan-anh-tot-nghiep-10-1.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh

Trước kỳ thi tốt nghiệp năm 2022, Bộ GD-ĐT không xác thực được thông tin cá nhân của hơn 1 triệu thí sinh dự thi. Để chuẩn bị triển khai đăng ký dự thi trực tuyến, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành bước đầu về kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có kết nối, trao đổi và đồng bộ dữ liệu về đội ngũ giáo viên với 1,3 triệu hồ sơ và khoảng 24 triệu học sinh. 

Gần 1 triệu hồ sơ học sinh đang học lớp 12 được đồng bộ để đưa vào sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Các trường thông tin của thí sinh dự thi, gồm: Họ và tên, ngày/tháng/năm sinh, số căn cước công dân và giới tính, đã được xác thực.

"Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc tổ chức thi, đặc biệt là việc đăng ký dự thi trực tuyến đã mang lại rất nhiều lợi thế cho cả thí sinh, nhà trường và toàn xã hội" - ông Huỳnh Văn Chương khẳng định. 

Cụ thể hơn, trước đây, hơn 1 triệu học sinh dự thi THPT và hơn 660 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng hằng năm phải nhập tay các thông tin cá nhân, học bạ học sinh, điểm xét tuyển, ngành... thông qua phiếu xét tuyển. Việc này mất nhiều thời gian nhập liệu, nhân lực thực hiện, dễ sai sót thông tin, tốn kém chi phí. Nhưng 2 năm qua, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã khiến quá trình này có rất nhiều thay đổi.

"Đối với thí sinh có thể giúp tra cứu chính xác thông tin cá nhân. Học sinh có thể tự hỗ trợ, hướng dẫn lẫn nhau trong việc kê khai thông tin. Kết quả kê khai của học sinh được lưu bằng bản điện tử với ngày giờ để làm căn cứ đối chiếu khi cần và có thể truy xuất mọi lúc, mọi nơi. 

Đối với giáo viên được giao nhiệm vụ hỗ trợ và xác thực thông tin không phải nhập lại trên phần mềm dữ liệu, thuận lợi trong việc kiểm tra thông tin, xác thực, tìm kiếm thông tin mọi lúc, mọi nơi.

Đối với nhà trường, thời gian cho việc đăng ký rà soát được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả. Có thể tận dụng máy tính, đường truyền hỗ trợ xử lý việc đăng ký dự thi. Đây cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc duy trì cơ sở dữ liệu ngành gắn kết với thí sinh.

Đối với xã hội, việc tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, tiết kiệm, tận dụng được hạ tầng công nghệ thông tin, tiết kiệm chi phí cho xã hội cả về mặt thời gian và nguồn lực" - ông Chương phân tích.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, có tổng số 1.025.166 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến chiếm 94,51%. Có lẽ đến thời điểm này, thành công trong việc ứng dụng công nghệ vào đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đã khắc thêm một dấu ấn quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của ngành giáo dục.

Hướng tới hiệu quả và minh bạch

Đồng thời với những thay đổi ở kỳ thi tốt nghiệp là công tác xét tuyển đại học. Việc xác nhận nhập học tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1 năm 2023 đã kết thúc vào ngày 17h ngày 8/9. Đây là năm thứ hai, tất cả quy trình của công việc này được thực hiện trên môi trường số (có kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia). 

Có thể thấy, qua 2 kỳ tuyển sinh năm 2022 và 2023, việc áp dụng công nghệ trong các khâu tuyển sinh đã khiến cho công việc này "đơn giản" và hiệu quả hơn rất nhiều, và đặc biệt mang lại sự công bằng, minh bạch.

7thi tot nghiep thpt 2022 641 1472.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Nếu như từ năm 2021 trở về trước, các cơ sở giáo dục đại học tổ chức xét tuyển và thông báo kết quả trúng tuyển tới thí sinh, thí sinh phải nộp các hồ sơ cần thiết để xác định nhập học tại cơ sở giáo dục đại học. Nhưng hiện tại, hệ thống Hỗ trợ tuyển sinh của Bộ thực hiện xét tuyển tự động (lọc ảo), kết quả được thông báo đến thí sinh trúng tuyển qua hệ thống. Sau đó, theo lịch, thí sinh xác nhận nhập học thông qua dịch vụ công trực tuyến và được thực hiện mọi nơi có kết nối Internet.

Đồng thời, từ năm 2022, Bộ GD-ĐT đã có cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác và minh bạch về tuyển sinh, nhập học của cả hệ thống.

Ví dụ như theo thống kê, kết thúc thời gian đăng ký nhập học đợt 1 trên Hệ thống chung (17h ngày 8/9), 494.488 thí sinh đã xác nhận nhập học, chiếm 80,8% tổng số thí sinh trúng tuyển đợt 1 (có 612.283 thí sinh). Con số này đạt 74,9% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển và 49,3% so với tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Như vậy, 117.795 thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học đợt 1.

Trước đó, năm 2022, số thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 trên Hệ thống là 463.025/567.419 thí sinh trúng tuyển (chiếm 81,6%).

Tỷ lệ nhập học là chỉ số thật nhất ghi nhận số lượng sinh viên chọn theo học ở các trường đại học. Nhìn từ số liệu tuyển sinh năm hai năm qua cho thấy mỗi năm có trên 100 nghìn thí sinh không xác nhận nhập học đợt 1. Những con số thống kê này sẽ giúp Bộ GD-ĐT có thể phân tích phục vụ xây dựng, điều chỉnh chính sách, kiểm tra và giám sát tốt hơn.

Thay đổi quan trọng tiếp theo là việc thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến. Từ năm 2021 về trước, thí sinh thực hiện thanh toán lệ phí xét tuyển theo phiếu đăng ký xét tuyển tại các điểm tiếp nhận hồ sơ (trường THPT) hoặc các cơ sở giáo dục đại học.

Nhưng hiện tại, thí sinh thực hiện thanh toán lệ phí xét tuyển qua tài khoản được cấp thông qua các Nền tảng thanh toán cung cấp trên Cổng DVCQG được tích hợp vào Hệ thống Hỗ trợ tuyển sinh của Bộ.

Như trong kỳ tuyển sinh năm 2023, thời gian nộp lệ phí xét tuyển đại học được chia thành 6 đợt, tùy từng tỉnh, thành phố. Có tới 17 kênh thanh toán (cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia) mà thí sinh có thể lựa chọn để đóng lệ phí xét tuyển.

Sau 2 năm triển khai thực hiện thanh toán số, với số lượng thí sinh đông (gần 500.000 em) trong đó, không ít thí sinh chưa được làm quen với phương thức thanh toán trực tuyến, các nhà trường, Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT và các cơ quan, đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng, khắc phục mọi khó khăn để tạo thuận lợi tốt nhất cho các em thực hiện quy định này.

Những kết quả thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục

- Thu thập được thông tin của 100% trường học (khoảng 53.000 trường) ở bậc mầm non và phổ thông: với 1,6 triệu hồ sơ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; 2,4 triệu hồ sơ, kết quả học tập của học sinh, thông tin về thể chất của học sinh; Kết nối (API) với hơn 17.083 trường học....
- Xây dựng dữ liệu quản lý thừa, thiếu giáo viên; quản lý sức khoẻ học sinh; quản lý triển khai chương trình Sóng và máy tính cho em; quản lý tiêm vắc xin Covid-19; quản lý, theo dõi giáo viên học sinh F0, F1 giai đoạn dịch Covid-19.
- Triển khai cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (HEMIS): Thu thập, số hoá dữ liệu của 442 cơ sở đào tạo, 152.470 giảng viên, 2.102.165 người học. Đồng thời, thu thập dữ liệu về nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, tài chính, hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế...

- Thí điểm triển khai học bạ điện tử, sổ điểm điện tử giúp giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và nhà trường...

- Thực hiện hơn 7000 bài giảng E-learning và video bài giảng, thực hiện bản điện tử toàn bộ các bộ sách giáo khoa phổ thông.

- Giai đoạn dịch Covid-19, có gần 80% học sinh Việt Nam tiếp cận các hình thức dạy học trực tuyến.

Về triển khai Đề án 06:

+ Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư (từ năm 2022): đã đồng bộ, xác thực định danh hơn 24 triệu hồ sơ học sinh, giáo viên (đạt tỷ lệ gần 98%), đã làm giàu dữ liệu của gần 23 triệu hồ sơ học sinh và giáo viên về giáo dục cho cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Bộ GD-ĐT là một trong những cơ quan hoàn thành sớm nhất kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

+ Thực hiện nghiêm, kịp thời chủ trương không dùng sổ hộ khẩu, không dùng Giấy chứng nhận thường trú trong thực hiện các thủ tục hành chính (Nghị định 104/2022): Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đã kết nối, khai thác dữ liệu lịch sử thường trú của công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Năm 2023, ngành giáo dục không sử dụng giấy chứng nhận thường trú mà khai thác hoàn toàn trực tuyến trên môi trường số cho hàng triệu thí sinh tham gia các kỳ tuyển sinh đầu cấp và tuyển sinh vào đại học.

+ Thực hiện các thủ tục hành chính thiết yếu bằng hình thức trực tuyến: Thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt 93% mỗi năm); Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trực tuyến (hơn 600.000 thí sinh với hơn 3 triệu nguyện vọng được đăng ký trực tuyến mỗi năm); Thí sinh thanh toán lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 97%); Thí sinh xác nhận nhập học đại học trực tuyến trên Cổng tuyển sinh (đạt 81%)...