Theo trang Techinsider, vào cuối những năm 1980, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã phát triển một hệ thống laser tự hành 1K17 Szhatie dựa trên nền tảng tảng pháo tự hành Msta-S, sử dụng khung thân xe tăng T-80 và động cơ tăng T-72 cho tốc độ tối đa 60 km/h.
1K17 Szhatie được phát triển nhằm mục đích vô hiệu hóa các trang thiết bị quang - điện tử của đối phương. Szhatie được chế tạo đặc biệt để tạo ra chùm tia laser thông qua một khối hồng ngọc nhân tạo nặng 30kg.
Kích thước tháp pháo trên Szhatie được tăng lên đáng kể để chứa các thiết bị quang - điện tử. Thiết bị quang học gồm 15 ống kính đã được lắp đặt phía trước xe tăng. Để vận hành Szhatie, một máy phát điện công suất mạnh với hệ thống pin dự phòng đã được phát triển.
Theo nhà sản xuất, các ống kính phản xạ đặt ở cuối một ống bạc xoắn giúp khuếch đại chùm tia laser và tăng khả năng hội tụ. Mỗi ống kính phát ra tia laser ở tần số khác nhau và sử dụng hệ thống điều khiển riêng, khiến đối phương không có khả năng ngăn chặn toàn bộ chùm tia.
Szhatie còn được trang bị một súng máy cỡ nòng 12,7mm hoặc 14,5mm để tự vệ trước bộ binh và máy bay của đối phương.
Vào tháng 12/1990, một nguyên mẫu của 1K17 Szhatie đã được chế tạo. Năm 1992, thiết bị này đã vượt qua các bài kiểm tra. Tuy nhiên, do Liên Xô tan rã, nhiều dự án phát triển vũ khí đã bị dừng lại và việc chế tạo xe tăng laser trở nên không cần thiết.
Chỉ có hai phiên bản 1K17 Szhatie được chế tạo hoàn chỉnh, nhưng một chiếc sau đó bị tháo dỡ. Chiếc còn lại được trưng bày tại Viện Bảo tàng Công nghệ quân đội ở ngoại ô Moscow. Hệ thống máy tạo laser đã bị tháo dỡ khỏi khoang chứa.
Xe tăng phóng tia laser không được đưa vào quân đội Nga, song nhiều đặc điểm kỹ thuật của xe tăng laser vẫn được nghiên cứu cho đến ngày nay.
Theo các chuyên gia của Sandboxx, mặc dù xe tăng laser không được sản xuất hàng loạt, nhưng đây là một nền tảng hiệu quả cao có khả năng làm mù các trang thiết bị quang - điện tử của đối phương rất lâu trước khi bị phát hiện.