Trong cấu trúc quyền lực chính trị Việt Nam hiện nay, thành viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, thể chế đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đất nước giữa hai kỳ đại hội, được coi là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã bầu ra 180 ủy viên Trung ương, trong đó có 22 người đã được bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng để phụ trách các lĩnh vực chuyên môn.
So với các ủy viên Trung ương đảm nhiệm vị trí bí thư tỉnh, thành hay trưởng các ban của Đảng và Quốc hội, “ghế” bộ trưởng nóng hơn cả bởi họ thường xuyên phải đối diện và giải quyết các vấn đề dân sinh hàng ngày.
Những yêu cầu về phẩm chất và năng lực với cán bộ chiến lược đã được đề cập đến từ hội nghị Trung ương 4 khóa 12, tháng 10/2016. Tháng 8/2017, Bộ Chính trị ban hành quy định số 90-QĐ/TW về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”.
Lãnh đạo chiến lược
Tháng 5/2018, hội nghị Trung ương 7 khóa 12 ban hành nghị quyết số 26-NQ/TW “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Trên cơ sở đó, ngày 2/1/2020, Bộ Chính trị ban hành quy định số 214-QĐ/TW về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”.
Quy định số 214-QĐ/TW năm 2020 đã đề ra những tiêu chí, hay còn gọi là chuẩn mực, về phẩm chất và năng lực của cán bộ chiến lược.
Theo đó, cán bộ chiến lược phải là những người đáp ứng yêu cầu về phẩm chất chính trị và đạo đức, có năng lực lãnh đạo và quản lý vĩ mô. Bộ trưởng phải là những người nắm vững luật pháp, có trình độ chuyên môn, am hiểu quản lý nhà nước, có khả năng hợp tác liên ngành, phối kết hợp để điều hành hoạt động giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương. Đặc biệt, là lực lượng chủ chốt tham gia hoạch định và thực thi chính sách, các bộ trưởng không được để bị chi phối bởi lợi ích nhóm.
Bên cạnh những yêu cầu với cán bộ chiến lược, các bộ trưởng cũng phải tuân thủ hệ thống quy định chung của Đảng, áp dụng với mọi đảng viên.
Trái với mong đợi của nhân dân
Ngày 7/6, việc khởi tố các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long gợi nhớ các nguyên Bộ trưởng đã bị xử lý như Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng… hay rộng ra là hơn 110 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý trong giai đoạn 2013-2020.
Đây là những cán bộ cấp cao đã có những hành vi trái với quy định của Đảng, vi phạm pháp luật của nhà nước khi thi hành công vụ. Những biểu hiện lệch chuẩn của một số lãnh đạo cấp chiến lược đã gây thiệt hại cho Đảng và Nhà nước, trái với mong đợi của nhân dân, cho nên bị dư luận xã hội lên án, bị xử lý cả trên tư cách đảng viên và cán bộ công quyền.
Tại hội nghị công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội 12, ngày 27/11/2020, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh báo nguy cơ gia tăng, phức tạp, và nghiêm trọng hơn của những khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
Trong kết luận số 12-KL/TW, ban hành ngày 6/4, về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Chính trị cũng chỉ ra thực tế vẫn có những vi phạm nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi, và phức tạp.
Mới đây, kết luận số 34 của Bộ Chính trị, ban hành ngày 18/4, về “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030” cũng nêu ra hiện tượng cấu kết, bao che, tiếp tay cho tiêu cực của một bộ phận cán bộ và đảng viên.
Một mặt, việc khởi tố những lãnh đạo cao nhất cấp bộ hoặc địa phương cho thấy quyết tâm bài trừ tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Mặt khác, các vụ việc cũng cảnh báo về những thách thức rất lớn liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi chính bản thân những người đứng đầu lại vi phạm.
Bên cạnh những thiệt hại kinh tế và tài chính, khi những “tư lệnh ngành”, thậm chí cả ban lãnh đạo cùng lệch chuẩn thì hệ quả chính trị là rất nghiêm trọng.
Thứ nhất, việc khởi tố những cán bộ cấp cao nhất có thể tạo ra khủng hoảng ngắn hạn với đội ngũ lãnh đạo cấp bộ, gây ra xáo trộn trên nhiều phương diện của cả một ngành.
Thứ hai, uy tín chính trị của bộ, ngành có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lòng tin của người dân với bộ, ngành có cán bộ cấp cao bị xử lý chắc chắn bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực.
Thứ ba, nếu số lượng các bộ trưởng và tương đương bị xử lý tiếp tục gia tăng thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín và khả năng lãnh đạo của Đảng cầm quyền.
Giám sát theo chiều ngang
Là lãnh đạo cao nhất của một ngành, bộ trưởng lệch chuẩn chứng tỏ công tác kiểm tra, giám sát tại đảng bộ đó có vấn đề. Hay như nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội 12: Đó là tình trạng “chưa chủ động, thường xuyên, ráo riết, quyết liệt; tiến hành kiểm tra, giám sát còn mang tính hình thức, chiếu lệ, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe… Công tác kiểm tra, giám sát trong các cơ quan của Nhà nước chưa được coi trọng đúng mức và còn yếu, kết quả chưa rõ”.
Khoản 1 điều 30, Điều lệ Đảng, thông qua tại Đại hội toàn quốc lần thứ 11, khẳng định "Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng". Cũng có nghĩa, kiểm tra, giám sát là những hoạt động không thể thiếu để góp phần bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng. Mục đích chính của công tác kiểm tra, giám sát là để cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện vi phạm.
Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030 đã nhấn mạnh hơn những thách thức trong tình hình mới. Điểm nổi bật của các giải pháp, nhiệm vụ nhằm cải thiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát là sự đề cao cơ chế giám sát theo trục dọc nội bộ hệ thống cơ quan Đảng. Trong đó, vai trò của cấp ủy và trách nhiệm của người đứng đầu được đặc biệt coi trọng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các trường hợp cán bộ cấp chiến lược vi phạm nghiêm trọng đến mức phải xử lý cho thấy những rủi ro của hướng tiếp cận nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu.
Nếu ban lãnh đạo và người đứng đầu nghiêm khắc và trách nhiệm thì công tác kiểm tra, giám sát sẽ được thực hiện tốt. Ngược lại, nếu người đứng đầu hay cả ban lãnh đạo có chất lượng kém, thậm chí can dự vào các vi phạm thì công tác kiểm tra, giám sát có thể rơi vào tình trạng hình thức, chiếu lệ, thậm chí bị vô hiệu hóa.
Cũng có nghĩa, để tạo đột phá trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, qua đó sớm phát hiện các biểu hiện lệch chuẩn, giảm thiểu nguy cơ cán bộ chiến lược bị xử lý thì rất cần tính đến cơ chế giám sát theo chiều ngang.
Khác với giám sát theo trục dọc hệ thống vốn coi trọng các phản ứng nội bộ theo từng cấp và từng đơn vị tổ chức đảng, giám sát theo chiều ngang chú ý hơn đến các phản ứng khách quan đến từ bên ngoài mỗi cơ quan, tổ chức, địa phương.
Cụ thể, chúng ta có thể thành lập các cơ quan giám sát liên ngành, liên địa phương, phát huy vai trò của báo chí để gia tăng tính khách quan cho các phản ứng kiểm tra, giám sát. Sự hoàn thiện các phản ứng đến từ bên ngoài mỗi tổ chức đảng cũng là cách giảm thiểu nguy cơ thao túng công tác kiểm tra, giám sát nếu người đứng đầu và ban lãnh đạo nào đó không bảo đảm chất lượng.
TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)