Khi nhà nước quan tâm có chính sách chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số và họ được thụ hưởng thì đồng bào sẽ yên tâm bám đất, bám vườn, bám nương rẫy và tin tưởng tham gia vào hàng ngũ của Đảng.
Sau loạt bài về “Những Đảng viên đặc biệt ở vùng biên”, VietNamNet phỏng vấn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm về bức tranh toàn cảnh cũng như các giải pháp để xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng ở địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.
Đây cũng là một trong những chủ trương được đặt ra tại Nghị quyết số 21, Trung ương 7 khóa 13 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Một trong những quan điểm được Trung ương nêu rõ là: “Coi trọng chất lượng phát triển đảng viên, quan tâm phát triển đảng viên trong đoàn viên thanh niên và công đoàn, hội viên ưu tú, quần chúng tiêu biểu, nhất là ở địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, khu vực kinh tế ngoài nhà nước, vùng dân tộc thiểu số”.
Cầu nối mật thiết giữa Đảng với Nhân dân
Là Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc của Quốc hội, qua công tác giám sát cũng như am hiểu về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, ông nhận thấy việc phát triển đảng viên ở địa bàn khó khăn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số như thế nào?
Trước hết phải nói rằng, Đảng ta luôn coi trọng và xác định đây là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong phát triển đảng viên. Đây cũng là cơ sở để xây dựng Đảng vững mạnh, nhất là ở những vùng điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân thiểu số, miền núi, những nơi mà nguồn đảng viên không được dồi dào và phong phú
Qua các năm theo dõi, tôi thấy rằng, sự phát triển đảng viên chung trên cả nước đều tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Đảng viên ngày càng thể hiện rõ vai trò tiền phong, gương mẫu, là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở cùng với cấp ủy để lãnh đạo và phát huy được vai trò của tổ chức Đảng; là cầu nối mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhiệm vụ này càng được quan tâm trở thành nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên và đưa vào chỉ tiêu đánh giá hàng năm trong thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Đảng.
Địa bàn vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số hiện nay chiếm 52/63 thành phố chiếm 82,5 % với 457/713 huyện, thị xã, thành phố, chiếm 64,1 %; 5.266/11.662 xã, chiếm 47,2%; trải dài từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông với trên diện tích 25.000 km2, chiếm 75 % diện tích cả nước với khoảng 14 triệu người, chiếm 14,68% tổng dân số cả nước.
Mặc dù số lượng đồng bào dân tộc thiểu số không phải là đông nhưng lại nằm ở những cái vùng biên giới, vùng phên dậu và những nơi khó khăn cần phải có người dân giữ đất và ổn định đời sống.
Trong nước những năm vừa qua, các cấp ủy, chính quyền rất quan tâm xây dựng, phát huy vai trò của lực lượng này. Qua đó, tạo được sự đồng thuận, sự chia sẻ của Nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của cấp ủy, vai trò điều hành của chính quyền.
Theo ông, việc phát triển cơ sở Đảng ở địa bàn khó khăn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số hiện nay có những khó khăn gì?
Khu vực này có những hạn chế, ảnh hưởng đến việc phát triển Đảng. Đó là việc chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo quần chúng ưu tú và giác ngộ lý tưởng cách mạng có những khó khăn hơn so với những khu vực khác, thậm chí chưa kịp thời, không đồng bộ. Ở những khu vực này thì vẫn còn cái tình trạng trắng hoặc là nguy cơ tái trắng đảng viên.
Để phát triển đảng viên cũng như là nâng cao năng lực và sức chiến đấu của cơ sở Đảng ở vùng này, theo tôi có 3 nội dung lớn cần quan tâm.
Thứ nhất, do điều kiện tự nhiên của vùng miền, điều kiện chia cắt; hạ tầng về giao thông, văn hóa xã hội không được đầy đủ và đồng bộ.
Thứ hai, đời sống người dân chủ yếu gắn với sản xuất nông nghiệp mang tính phân tán, theo nhóm hộ gia đình là chính; thậm chí có nhiều nơi là “rốn nghèo” của cả nước nên điều kiện sinh kế và đời sống rất khó khăn.
Nhận thức của người dân ở đây không đồng đều, trong đó có nhiều trường hợp không thông thạo tiếng Kinh. Tâm lý của người dân ở các vùng này chỉ tập trung vào làm ăn, lo đời sống và sinh kế, ít quan tâm nghiên cứu, học tập các chủ trương của Đảng và ý chí phấn đấu cũng không thực sự cao…
Bên cạnh đó một số người lao động thường xuyên di chuyển giữa các địa phương để mưu sinh nên cũng khó trong việc quản lý và tạo nguồn để xây dựng đội ngũ đảng viên.
Thứ ba, việc duy trì năng lực và chất lượng sinh hoạt của chi bộ ở các thôn, buôn, bản của các khu vực này cũng có nơi chưa đạt theo yêu cầu. Việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông tin cũng còn hạn chế.
Chi ủy, chi bộ, tổ chức đảng ở đấy cũng có những chỗ chưa thực sự quan tâm đúng mức và chưa kiên trì để thực hiện công tác tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là khi quần chúng làm ăn phân tán ở nhiều điểm, nhiều nơi trong vùng.
Đảng và chính quyền luôn theo sát và hỗ trợ để đồng bào vào Đảng
Những bài học kinh nghiệm cần phải lưu tâm trong phát triển cơ sở Đảng ở địa bàn khó khăn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số là gì, thưa ông?
Theo tôi có 5 cái bài học kinh nghiệm cần phải quan tâm.
Thứ nhất, về nhận thức phải thống nhất trong cách xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Giải pháp phải phù hợp, đồng bộ, xác thực với khả năng, điều kiện và trình độ của cấp ủy, chính quyền của từng vùng và thực trạng của đời sống người dân ở vùng đấy. Tức là nhận thức phải thống nhất và đồng bộ và phải sát với yêu cầu.
Thứ hai, từ nhận thức thì cách làm phải bài bản, khoa học nhưng cũng phải bám sát thực tiễn theo đặc điểm tình hình của địa phương đấy.
Tôi nói ví dụ như vùng nhiều người nghèo ở phân tán thì giải pháp để tiếp cận, bồi dưỡng quần chúng phải khác, cách xây dựng tổ chức đảng cũng phải khác.
Hay như ở vùng có đông đồng bào có đạo thì cách thức không thể rập khuôn, máy móc được.
Bên cạnh đó, trong xây dựng kế hoạch phải quan tâm đến việc đánh giá nguồn quần chúng để có hướng phân công, giao nhiệm vụ cho các đảng viên có kinh nghiệm, hiểu biết về ngôn ngữ, kiến thức tiếp cận và hỗ trợ, định hướng cho quần chúng…
Thứ ba, tôi cho rằng là phải triển khai đầy đủ các chính sách dân tộc, nhất là các chính sách liên quan đến sinh kế cho người dân, để họ không bị đói, không bị bỏ quên trong các chính sách của nhà nước.
Yếu tố này tôi cho rằng rất là quan trọng. Khi nhà nước quan tâm và họ được thụ hưởng thì từ đấy họ yên tâm bám đất, bám vườn, bám nương rẫy và tin tưởng tham gia vào hàng ngũ của Đảng.
Thứ tư, tôi thấy rằng trong phát triển tạo nguồn đảng viên cần phải chú trọng đến sự phát triển chất lượng đảng viên mới, không nặng chạy theo thành tích là phải có số lượng đảng viên đông cho kịp thời.
Kinh nghiệm cuối cùng theo tôi là phải đảm bảo các cái nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội để kết hợp giữa kiểm tra, giám sát, hỗ trợ để cùng nhau xây dựng, tạo nguồn và phát triển.
Nghị quyết 21 đặt ra nhiệm vụ quan tâm phát triển tổ chức đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo phương châm "ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên". Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, theo ông cần phải làm gì?
Thực hiện phương châm “ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên” chính là khẳng định nghị quyết 21 Trung ương 7 khóa 13 thực sự đi vào cuộc sống.
Nhưng để thực hiện được trước hết đối với cấp ủy, chính quyền cần phải xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết hết sức xác hợp với điều kiện, đặc điểm, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy và đời sống của người dân ở đó, gắn với tình hình cụ thể.
Trong đó cách làm, cách triển khai phải phù hợp với điều kiện tiếp cận của người dân và quần chúng.
Không thể để người dân lao động nông nghiệp hàng ngày, tối họ mới về nhà mà lại tổ chức sinh hoạt thông tin hàng ngày. Hoặc ở những vùng có đạo, ngày cuối tuần họ đi lễ mà chúng ta tổ chức sinh hoạt vào cuối tuần thì cũng khó để thu hút được họ tham gia.
Điều quan trọng nữa là cấp ủy, chính quyền phải đảm bảo các chính sách kinh tế xã hội thực sự đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Có như thế thì người dân mới tin tưởng, khẳng định rằng là Đảng và chính quyền luôn theo sát và hỗ trợ để họ mạnh dạn đứng vào của Đảng.
Ngoài ra cũng cần phát huy mạnh hơn vai trò của những đảng viên là người tại chỗ. Bởi vì chính họ mới là tấm gương, cầu nối quan trọng để thuyết phục người dân, quần chúng còn đang đứng ở ngoài Đảng. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đối với hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng phải kịp thời, phù hợp.
Cuối cùng thì phải quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ tại chỗ để nắm và hiểu hết được các vấn đề của cơ sở.
Theo thống kê, người có uy tín ở các vùng này có 28.538 người, trong đó có 12.038 người là đảng viên và 2.965 người là già làng và 3.538 người là trưởng thôn, bản và tương đương.
Đây là một lực lượng hết sức quan trọng, có đóng góp tích cực và trách nhiệm cao trong việc là cầu nối thông tin các chủ trương của Đảng, Nhà nước đến Nhân dân. Đồng thời cũng là cầu nối quan trọng giúp cho các tổ chức đảng và đảng viên trong việc xây dựng nguồn quần chúng để kết nạp đảng.
Từng là người sống du canh, du cư theo bố mẹ, anh Giàng A Chống ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa đã vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, cùng với vợ trở thành đôi vợ chồng đảng viên đầu tiên ở bản Ón.
Theo phỉ, rồi trở về sau thời gian cải tạo, anh Lầu Nhia Chù cùng vợ con quyết chí làm ăn. Năm 2007, được sự tin tưởng, nhất trí của bà con, anh Chù được bầu làm phó bản Phá Lõm kiêm công an viên.