Liên tiếp 3 chùm ca bệnh nhiễm độc tố Botulinum xuất hiện trong thời gian ngắn tại tỉnh Quảng Nam. Độc tố được xác định có trong món ăn truyền thống của người dân khu vực này.
Liên quan đến 3 chùm ca bệnh ngộ độc Botulinum tại Quảng Nam, hiện có 3 trường hợp thở máy đã được sử dụng thuốc giải độc. Người bệnh đã tỉnh táo hơn, sức cơ cải thiện một phần nhưng vẫn rất nguy hiểm bởi nguy cơ biến chứng. 6 bệnh nhân còn lại đang được tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn tiến.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã phát đi khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua; không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng; cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép làm chua.
Các cơ sở y tế phải báo cáo khi các bệnh nhân đến khám, điều trị do nghi ngờ liên quan đến ngộ độc thực phẩm để cơ quan chức năng tổ chức điều tra, thực hiện lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm (nếu có) gửi Viện Pasteur Nha Trang hoặc các viện chuyên ngành để xác định nguyên nhân, chỉ đạo xử lý và điều trị kịp thời.
Tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm cho người dân.
Trao đổi với VietNamNet, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Dũng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cho hay, đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận các ca ngộ độc vì món cá muối ủ chua có độc tố Botulinum.
Cá muối ủ chua là món ăn truyền thống và đặc trưng của người dân miền núi ở Quảng Nam. Cách chế biến bao gồm cá chép, muối, cơm hoặc bột bắp, ớt, sau đó ủ trong hũ kín khoảng 7-10 ngày. Các chuyên gia nhận định, môi trường đã tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển.
Riêng tháng 3, có đến 2 đợt ngộ độc dồn dập với tổng cộng 10 người, trong đó 1 ca tử vong. Bệnh nhân đều là người đồng bào dân tộc, ngụ tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
“Do cá muối ủ chua là món phổ biến của đồng bào miền núi, chúng tôi lo ngại sẽ còn thêm ca ngộ độc”, bác sĩ Dũng nói.
Kết quả điều tra dịch tễ xác nhận hiện có 3 chùm ca bệnh ngộ độc Botulinum tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Chùm ca thứ nhất là 5 người dân cấp cứu vì bị đau bụng, nôn ói mệt và yếu dần tay chân. Triệu chứng xuất hiện sau bữa ăn từ 12 đến 24 giờ. Sau 3 ngày điều trị, một bệnh nhân nữ 40 tuổi tử vong do diễn tiến quá nặng.
Chùm ca bệnh thứ hai là một bệnh nhân nữ 37 tuổi. Một ngày sau ăn cá chép ủ chua, chị nôn ói nhiều, yếu dần tay chân và nhập viện. Ngày 16/3, bệnh nhân bị suy hô hấp, thở máy đến nay.
Chùm ca bệnh thứ ba là 4 người cùng gia đình. Cả nhà ăn cá chép ủ chua và nôn ói nhập viện vào ngày hôm sau. Ngày 18/3, hai bệnh nhân bị liệt tứ chi, suy hô hấp, phải thở máy. Hai trường hợp còn lại (có bé trai 12 tuổi) yếu nhẹ tứ chi, tự thở được.
Ban đầu, các bệnh nhân được tiếp nhận và xử trí theo phác đồ ngộ độc chung của Bộ Y tế. Tuy nhiên, khi liên tiếp bệnh nhân có triệu chứng giống nhau, bác sĩ nghi ngờ đến độc tố Botulinum. Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang xác định món cá muối ủ chua trong chùm ca thứ nhất chứa vi khuẩn Clostridium Botulinum type E.
Nhóm chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy đã khẩn cấp có mặt, mang theo 5 lọ thuốc giải độc cuối cùng để cứu người bệnh.
Độc tốc Botulinum phân hủy ở 100 độ C trong 15 phút
Theo Bộ Y tế, các loại thịt hộp, rau củ quả, hải sản đóng hộp hay bịt kín trong bao túi, chai, gói… đều có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum.
Đặc biệt, nếu thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo nguy cơ này còn cao hơn.
Do đó, người dân cần thận trọng với các sản phẩm thực phẩm đóng kín, chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.
Dù sử dụng túi hút khí sẽ giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn, song Bộ Y tế khuyên người dân không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá.
Khi chế biến, nên ưu tiên ăn các thực phẩm mới nấu chín do độc tố Botulinum không bền với nhiệt, bất hoạt ở 80 độ C và phân hủy ở nhiệt độ 100 độ C trong 15 phút.
Loại vi khuẩn này không phát triển được trong môi trường có độ pH dưới 4,6, do vậy khi người dân muối dưa, muối cà, măng… cần phải che đậy kín, đảm bảo đủ độ chua, mặn mới dùng. Khi thực phẩm hết chua không nên ăn.