Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho hay, sau khi dùng thuốc hiếm giải độc, bệnh nhân trong vụ ngộ độc Botulinum ở Quảng Nam đã cải thiện.
Bác sĩ Hùng cùng các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy đã có mặt tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam ngày 18/3 sau khi được điều động khẩn cấp.
Theo bác sĩ Hùng, có 10 bệnh nhân nhiễm độc tố Botulinum trong món cá chép muối ủ chua, một người đã tử vong. Đây là món ăn phổ biến ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam do người dân tự làm.
Sau chưa đầy 24 giờ, người ăn đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa làm yếu tứ chi tăng dần. Những ca nặng bị suy hô hấp do liệt cơ, phải thở máy.
Sau khi đánh giá, các chuyên gia quyết định sử dụng 3 lọ thuốc giải độc cho 3 bệnh nhân đang phải thở máy. Đây là loại thuốc rất quý và hiếm, trị giá 8.000 USD/lọ. Các lọ thuốc đưa từ TP.HCM ra Quảng Nam cũng là những liều cuối cùng của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đến sáng nay, 3 bệnh nhân đã cải thiện, tỉnh táo hơn, sức cơ cải thiện một phần. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hùng, tình hình vẫn rất nguy hiểm vì bệnh nhân có thể biến chứng nặng, cần theo dõi tiếp. Khoảng 1 tuần sau mới có thể đánh giá chính xác.
Các bệnh nhân còn lại đang được theo dõi kỹ lưỡng, cân nhắc thời điểm cần sử dụng thuốc giải độc. Thời điểm tốt nhất là khi đánh giá bệnh nhân sẽ tiến triển đến liệt cơ, dùng thuốc sẽ ngăn chặn được.
“Thuốc giải rất quý và hiếm, chúng ta phải đánh giá, cân nhắc sử dụng thật hiệu quả, không nên lạm dụng. Thực tế, vẫn có những trường hợp cơ thể tự phục hồi. Ví dụ ở chùm ca bệnh thứ nhất, một người tử vong nhưng 4 người còn lại chỉ cần điều trị hỗ trợ, vẫn tỉnh táo”, bác sĩ Hùng lý giải.
Ông nhấn mạnh, vụ việc này càng cho thấy tầm quan trọng của một kho dự trữ thuốc quý hiếm để cứu người trong những tình huống tương tự. Đề xuất về kho thuốc hiếm đã nhiều lần được chuyên gia chống độc nêu ra với lãnh đạo Bộ Y tế.
Chia sẻ thêm, bác sĩ Hùng cho rằng, trình độ của các đồng nghiệp Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đã giúp việc điều trị chùm ca ngộ độc Botulinum hiệu quả.
Bác sĩ tại đây đã nghi ngờ về nguyên nhân ngộ độc trước khi hội chẩn với chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy, đồng thời cung cấp nhiều yếu tố liên quan giúp chẩn đoán dễ dàng.
“Bệnh viện ở miền núi nhưng đã triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại như hồi sức tim mạch, hồi sức cấp cứu, đặt máy tạo nhịp… Lực lượng bác sĩ trẻ và kiến thức rất tốt. Chúng tôi rất ấn tượng. Điều này giúp cho việc xử trí các ca bệnh hiệu quả và người dân miền núi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Hiện nay, bệnh viện cũng đang chuẩn bị ứng phó trước nguy cơ có thể có thêm ca ngộ độc mới do cá chép ủ muối chua là thức ăn phổ biến tại đây.