Theo khảo sát các giáo viên nhận được, thầy cô sẽ lựa chọn một trong hai phương án về số môn thi tốt nghiệp THPT đối với học sinh, cụ thể:
Lựa chọn 1 gồm 6 môn, trong đó có Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học.
Lựa chọn 2 gồm 5 môn, trong đó có Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, bao gồm cả môn Lịch sử.
Khảo sát này trước đó cũng được đưa ra tại hội nghị tổng kết năm học ở TP.HCM, với sự tham gia của các đại diện Sở GD-ĐT của 63 tỉnh thành. Đại diện Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế cho rằng môn này cùng với Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ trở thành các môn thi bắt buộc sẽ gây thiệt thòi cho những học sinh lựa chọn tổ hợp tự nhiên.
Vì thế, 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và thêm 2 môn tự chọn là hợp lý. Đại diện Sở GD-ĐT Quảng Trị cũng cho rằng nếu Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc thì sự mất cân đối giữa học sinh chọn môn tự nhiên và xã hội sẽ càng gia tăng.
Việc đưa môn Lịch sử thành môn thi bắt buộc cũng cần phải có khảo sát, phân tích thêm của các chuyên gia.
Lo khảo sát gây bất lợi cho môn Lịch sử
Chia sẻ với VietNamNet, thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa), thông tin: “Trong hai lựa chọn, sự khác biệt duy nhất nằm ở vị trí của môn Lịch sử là môn bắt buộc hay lựa chọn. Nếu khảo sát trên diện rộng, số lượng lựa chọn Lịch sử là môn bắt buộc sẽ áp đảo, nhưng với quy mô khảo sát nhỏ này, môn Lịch sử có thể sẽ thất thế bởi ngoại trừ giáo viên Sử, nhiều thầy cô giáo khác sẽ không chọn môn này để giảm tải áp lực cho học sinh”, thầy Hiển nói.
Thầy giáo này cũng cho rằng nếu môn Lịch sử không được lựa chọn là môn thi bắt buộc, việc đưa môn này trở thành môn học bắt buộc cũng vô nghĩa.
“Là môn học bắt buộc nhưng không đưa vào nội dung thi, học sinh sẽ không hào hứng, học đối phó, giáo viên cũng sẽ mất hết động lực để dạy. Như vậy, chất lượng môn học sẽ không được nâng lên. Cho nên, đã là môn bắt buộc học phải bắt buộc thi”.
Thầy Hiển cũng chia sẻ: “Ở trên thế giới, không có nước nào đưa Lịch sử trở thành một môn lựa chọn. Đây là môn đặc thù và có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục và đào tạo các phẩm chất của công dân”.
Đồng quan điểm, một giáo viên Lịch sử ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) cũng cho rằng mục tiêu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là hình thành phẩm chất, năng lực của người học. Các phẩm chất bao gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Môn Lịch sử có vai trò, ý nghĩa quan trọng góp phần hình thành, phát triển những năng lực, phẩm chất ấy.
"Nếu không đặt vào đúng vị trí và tầm quan trọng của môn học, Lịch sử sẽ bị "bức tử", bởi đặc thù của nền giáo dục Việt Nam là học để thi. Nếu không thi, học sinh sẽ không học”, giáo viên này nêu quan điểm.
Cũng giống như nhiều giáo viên Lịch sử, TS Trần Thanh Thủy, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Lê Duẩn (Quảng Trị), đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh khảo sát này.
“Thực tế, môn Lịch sử đã trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới, vậy tại sao lại đề xuất trở thành một môn lựa chọn thi? Nhiều người cho rằng giảm từ 6 môn thi tốt nghiệp THPT xuống chỉ còn 5 môn thi để bớt áp lực và tạo công bằng cho những học sinh học các môn khoa học tự nhiên, vậy tại sao không cho học sinh lựa chọn toàn bộ các môn thi? Tại sao Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra 2 phương án lựa chọn, trong đó nhắm vào môn Sử, mà không đưa ra nhiều phương án hơn?…”.
Theo TS Trần Thanh Thủy, môn học nào đã bắt buộc học cũng đều cần phải bắt buộc thi. Đây sẽ là động lực để học sinh cố gắng nỗ lực phấn đấu trong học tập.
Điều này càng quan trọng hơn đối với Lịch sử, bởi đây là môn học giúp học sinh “giữ gìn được những ký ức của dân tộc, không bị đồng hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tự tin hội nhập với thế giới”.
Trước đó, dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến diện rộng từ ngày 17/3 đến 17/5. Trong đó, môn Lịch sử dự kiến là một trong 4 môn thi bắt buộc. Tuy nhiên, trong công văn số 4430 ngày 21/8, Bộ GD-ĐT tiếp tục lấy ý kiến của cán bộ, giảng viên, giáo viên, trong đó đưa ra 2 lựa chọn về số môn thi. PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trở đi. Các ý kiến sẽ được gửi về Bộ GD-ĐT trước ngày 10/9, Bộ sẽ tổng hợp, phân tích để đề xuất phương án hợp lý báo cáo Thường trực Chính phủ trước khi công bố chính thức. |