Anh Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng, Hà Nội) có hơn 20 năm gắn bó với nhiếp ảnh du lịch. Anh đã đi khắp các tỉnh thành Việt Nam để ghi lại khoảnh khắc thiên nhiên, văn hóa, con người và tới hơn 20 quốc gia trên thế giới. Dưới đây là bài viết của anh, chia sẻ câu chuyện đặc biệt từ bản Sin Suối Hồ, Lai Châu.

Trong hơn 20 năm rong ruổi khắp 63 tỉnh thành, tôi không nhớ mình đã ghé qua bao nhiêu thôn, bản nhưng Sin Suối Hồ vẫn là một nơi đặc biệt, một bản nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc với cách làm du lịch văn minh, tiến bộ, ấm lòng du khách.

Bản người Mông này nằm dưới ngay chân núi Sơn Bạc Mây, huyện Phong Thổ, cách thành phố Lai Châu khoảng 30km. Nơi đây được mệnh danh là "thiên đường trong mây" bởi du khách có thể đắm chìm trong biển mây vào mỗi sáng sớm, ngâm mình dưới dòng nước mát lạnh của thác Tình Yêu, thác Trái Tim khi chiều về.

Ngoài thăm bản làng, du khách cũng có thể trekking tìm hiểu hệ thống rừng nguyên sinh với suối thác, những thửa ruộng bậc thang, các loại địa lan..., chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử có độ cao trên 3.045m thuộc địa phận bản Dền Sung, đỉnh Pu Ta Leng với độ cao 3.049m thuộc địa phận huyện Tam Đường.

sin suối hồ 7.JPG
Bản Sin Suối Hồ được mệnh danh là "thiên đường trong mây". Ảnh: Nguyễn Việt Hùng

Từ 10 năm trước, khi lần đầu tới Sin Suối Hồ, tôi đã bị vẻ đẹp nơi đây chinh phục. Nhưng ấn tượng hơn là khẩu hiệu "5 không" ở bản vùng cao này: Không ai hút thuốc phiện, không hút thuốc lào hay thuốc lá, không đàn đúm rượu chè, không cờ bạc, không xả rác bừa bãi.

Người dân kể lại, hơn 20 năm trước, bản nghèo lắm, đàn ông say mèm từ sáng tới đêm, đắm chìm trong khói thuốc phiện. Giờ khu bản nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển như thay da đổi thịt. Đường dẫn vào bản sạch sẽ, hai bên xanh mướt. Những ngôi nhà trình tường với hàng rào đá bao quanh, giản dị và yên bình.

Ở đây, tôi gặp Trưởng bản Vàng A Chỉnh, người tiên phong sửa nếp nhà mình rồi vận động anh em, họ hàng sửa sang, dọn dẹp nhà của họ, các khu đất, nhà cửa của bản, cổng chào, đường vào bản.

Anh vận động bà con, nhà nào có điều kiện thì làm dịch vụ homestay đón khách du lịch, nhà nào không có điều kiện thì nuôi lợn, gà, trồng rau, cung cấp thực phẩm, mỗi nhà một việc, cả bản cùng chung tay. 

Các homestay được trang trí mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ các món ăn đặc trưng của dân tộc Mông, như lợn cắp nách, mèn mén, gà đen, rượu ngô, rượu gạo, bánh dày… Sin Suối Hồ vẫn giữ nguyên được bản sắc văn hóa, phong tục cùng nếp sống thuần hậu, mộc mạc của người Mông. 

Khi chung tay làm du lịch, người dân tự giác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo đảm an ninh trật tự tại bản, không để xảy ra tình trạng trộm cắp, nghiện hút,... 

Khác với 10 năm trước, Sin Suối Hồ giờ đã là điểm đến nổi tiếng với du khách trong nước và quốc tế. Nhưng tới đây, tôi vẫn cảm nhận được sự mộc mạc, ấm áp và yên bình vốn có. Điều đó thể hiện rõ nhất qua chính những đứa trẻ. Sống giữa bản du lịch có tiếng, các bạn nhỏ vẫn hồn nhiên, đôi mắt trong veo, vô tư nô đùa.

Bản người Mông này có một lời đề nghị đặc biệt dành cho du khách, đó là không cho tiền trẻ nhỏ. Đây như một cách bảo vệ những đứa trẻ và bảo tồn, phát triển văn hóa của Sin Suối Hồ.

Khi đưa khách đi du lịch, tôi cũng thường nói với họ hạn chế cho tiền trẻ em nơi đoàn đến. Nhưng Sin Suối Hồ là nơi đầu tiên ở Việt Nam, người dân chủ động đề nghị khách làm việc đó. 

Lời đề nghị đặc biệt ở bản người Mông Sin Suối Hồ, khiến tôi liên tưởng tới Hunza - một thung lũng biệt lập nằm ở phía bắc Pakistan. Khi tới đây, một vùng núi hẻo lánh, còn nhiều thiếu thốn, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy những đứa trẻ mặt mũi sáng sủa, ăn mặc sạch đẹp, má đỏ hây hây vui vẻ đến trường.

Sau nhiều chuyến đi, tôi tìm hiểu mới biết người dân nơi đây biết ơn sự đóng góp của gia tộc Agan Khan cho giáo dục, y tế, môi trường...

Năm 1946, ngài Sultan Muhammad Shah - Aga Khan III đã bảo trợ và xây dựng 16 trường học có tên là Diamond Jubilee. Ngài đã thuyết phục các Mirs - người đứng đầu của bang Hunza chú trọng hơn vào giáo dục.

Chính vì vậy Hunza dù xa xôi, hẻo lánh, thiếu đủ thứ nhưng lại có hệ thống giáo dục rất tốt. Hơn 70% người dân Hunza có thể giao tiếp bằng tiếng Anh và tỉ lệ biết chữ ở Hunza cũng cao nhất ở đất nước Pakistan. 

Khi trẻ em được yêu thương, bảo vệ và giáo dục, đó là cách tuyệt vời để phát triển du lịch bền vững.

Từ một bản 100% người dân tộc Mông nghèo khó, đến nay, Sin Suối Hồ đã trở thành bản du lịch với 150 hộ dân, 762 nhân khẩu. Nhờ phát triển du lịch, đến nay mỗi hộ đã có thu nhập từ 100-400 triệu đồng/năm. 

Hiện bản có 26 hộ đang làm dịch vụ du lịch. Về dịch vụ lưu trú tại bản có các homestay, bungalow với những tên gọi thú vị như: Tổ chim, tổ ếch, tổ ong, hoa lan…

Ngày 5/2/2023, tại lễ trao giải thưởng Du lịch ASEAN 2023, bản Sin Suối Hồ vinh dự được nhận giải ở hạng mục Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3.

Nguyễn Việt Hùng (Linh Trang ghi)