Lời toà soạn:

Cùng với sự phát triển của đất nước, đồng bào các dân tộc Việt Nam ngày càng linh hoạt, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Những tấm gương làm kinh tế giỏi không chỉ nâng cao đời sống cho bản thân, gia đình mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược. 

VietNamNet ghi nhận những điển hình tiêu biểu, những cá nhân có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo nên diện mạo mới cho các thôn bản.

Từ sản xuất manh mún chuyển sang làm quy mô lớn

Trên bản Mé Lếch ở xã Cò Nòi, huyện vùng cao Mai Sơn (Sơn La), những cây na xanh tốt phủ kín 200ha núi đồi. Ông Nguyễn Hữu Tứ - Giám đốc HTX Mé Lếch, cho biết, các hộ xã viên vừa kết thúc thu hoạch na, giờ lại chuẩn bị cho một mùa quả mới.

Ông Tứ nhớ từ năm 2017 về trước, ở nơi bản làng vùng cao này, người dân chỉ trồng na dai truyền thống, thu nhập khá bấp bênh do các địa phương khác cũng trồng loại cây ăn quả này trên quy mô lớn. Theo quy luật thị trường, hàng nhiều giá sẽ rẻ.

Thời điểm đó, ông cứ trăn trở mãi, nếu cứ tiếp tục làm như vậy sẽ chẳng thể vươn lên làm giàu. Vì mỗi hộ dân trồng và chăm sóc theo một cách khác nhau, chất lượng na không đồng đều, đầu ra khó đảm bảo và khó bán được giá cao.

na me lech
Các loại na chất lượng cao được trồng trên quy mô lớn tại HTX Mé Lếch. Ảnh: Hữu Tứ

Cuối cùng, ông quyết định rủ các hộ dân trong bản có chung chí hướng thành lập HTX chuyên trồng na chất lượng cao trên quy mô lớn. Thế là, HTX Mé Lếch ra đời năm 2018 với 10 hộ xã viên, do ông làm giám đốc. 

Bây giờ, HTX có 26 hộ thành viên, diện tích trồng na tăng lên 200ha.

“Chúng tôi chuyên các dòng na dai truyền thống, na Hoàng Hậu và na sầu riêng”, vị giám đốc này nói. Toàn bộ diện tích na của HTX đều được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ.

Hơn nữa, để cho cây ra những quả na đẹp, to đều, chất lượng tốt, các thành viên của HTX đều nắm được quy trình kỹ thuật chăm sóc, bón phân hiệu quả. HTX Mé Lếch cũng thường xuyên hướng dẫn các hộ dân bao trái cho quả na đúng thời điểm, vừa phòng ngừa sâu bệnh gây hại, vừa giúp tăng năng suất, mẫu mã đẹp, nâng cao giá trị sản phẩm.

Các đồi na đều được lắp đặt camera giám sát, có hệ thống tưới nước tự động điều khiển bằng ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh. Nhờ đó, hộ nông dân chủ động được thời gian tưới nước cho cây trồng dù ngồi ở bất cứ nơi đâu, đồng thời giảm được ngày công lao động, ông cho hay.

Làm hàng có thương hiệu, xã viên thu về tiền tỷ

Trên thị trường, sản phẩm na của HTX đều được dán tem nhãn “Na Đại Sơn”. Đây cũng là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La.

Theo Giám đốc HTX Mé Lếch, các giống na mà hộ xã viên trồng đều cho trái khủng. Đặc biệt, na sầu riêng đạt trọng lượng 1-2,5 kg/quả, thậm chí có quả còn trên 3kg.

Về loại na sầu riêng thơm mùi dứa, ông Nguyễn Hữu Tứ khoe, loại na này do HTX phối hợp với một doanh nghiệp giống rau quả ở Việt Nam nhập giống từ Đài Loan (Trung Quốc) về ghép cải tạo với giống na dai địa phương.

na me lech
HTX Mé Lếch là đơn vị đầu tiên đưa giống na sầu riêng về trồng tại Sơn La. Ảnh: Hữu Tứ

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Mai Sơn nên chỉ 8 tháng sau ghép, na dai sầu riêng trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ đã bói quả.

Na sầu riêng bên ngoài có nhiều gai gần giống gai sầu riêng. Bên trong thịt na màu trắng, rất ít hạt, ăn dai và ngọt đậm. Khi thưởng thức sẽ thấy ngoài mùi vị sầu riêng, miếng na còn thơm mùi dứa. 

Những năm gần đây, na sầu riêng gây sốt trên thị trường, có thời điểm giá lên tới 450.000-500.000 đồng/kg. Loại na này lại cho năng suất cao nên mỗi 1ha, các hộ xã viên của HTX thu từ 1-1,4 tỷ đồng.

Vụ na vừa qua, diện tích na sầu riêng của HTX và ở huyện Mai Sơn tăng mạnh, giá bán cũng dần hạ nhiệt. Theo đó, na sầu riêng loại 1 cỡ 1-2 kg/quả có giá bán sỉ tại vườn 80.000-90.000 đồng/kg, loại 2 cỡ 400-700 gram/quả giá đổ sỉ dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg.

Với na dai truyền thống, giá bán dao động từ 30.000-35.000 đồng/kg, na Thái có giá 50.000-55.000 đồng/kg. 

“Na dai bắt đầu được hái quả từ tháng 7, sau đó là na Thái và cuối cùng đến na sầu riêng”, ông nói. Vào nửa cuối năm, các hộ dân nơi đây tất bật thu hoạch hết loại na này đến loại na khác. 

Theo ông Tứ, mới chỉ 60% diện tích na của HTX cho thu hoạch quả, song niên vụ 2023-2024 cho sản lượng khoảng 1.000 tấn. Còn vụ thu hoạch vừa qua, ông chưa có con số thống kê cụ thể về sản lượng cũng như doanh thu.

8d765ee9 6d94 4731 9750 30abb3cc66aa.jpg
Thành viên của HTX tham gia livestream bán na. Ảnh: TTV

Số lượng na hộ xã viên thu hái đa phần đổ sỉ cho các đầu mối ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là thị trường Hà Nội. Ngoài ra, vụ thu hoạch vừa qua, HTX Mé Lếch còn hợp tác với TikTok Shop để livestream bán hàng trên “chợ điện tử” này. 

“Phía công ty cử người lên bản vào livestream tại vườn. Họ giới thiệu tường tận các sản phẩm na, quy trình chăm sóc, chất lượng cũng như hương vị từng loại”, ông nói. 

Theo đó, trung bình mỗi ngày chốt bán được 1-2 tấn na. Nếu tính cả vụ, số lượng na bán thông qua hoạt động livestream chiếm khoảng 10%. Đơn hàng chốt xong, HTX sẽ đóng gói rồi giao cho TikTok Shop vận chuyển đến tận tay khách hàng.

Ông Tứ nhấn mạnh, thông qua hình thức bán hàng trực tuyến, sản phẩm na của HTX còn được quảng bá đến người tiêu dùng trên khắp cả nước.

Thu nhập phụ thuộc vào năng suất cũng như giá cả sản phẩm. Năm nay, giá na không cao như những năm trước nên mỗi 1ha cho thu khoảng 500-600 triệu đồng.

Trung bình mỗi hộ thành viên của HTX Mé Lếch trồng 3-4ha nên năm nào cũng ôm về tiền tỷ. Cá biệt có hộ trồng cả chục ha thì trúng đậm vài tỷ sau mỗi vụ thu hoạch. Do đó, na không chỉ là cây trồng giúp bà con vùng cao Mai Sơn thoát nghèo mà còn là cây trồng có thể làm giàu, cho thu nhập cao. 

Theo lãnh đạo huyện Mai Sơn, HTX Mé Lếch là một trong những HTX tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp của địa phương. Huyện cũng xác định na là cây ăn quả chủ lực, giúp nông dân xóa đói nghèo và làm giàu, cần tiếp tục nhân rộng mô hình theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Vì vậy, huyện tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng HTX trong quá trình duy trì và phát triển chuỗi sản phẩm.