Các nhà nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) cảnh báo bệnh tiểu đường đang trở nên phổ biến ở những người trẻ tuổi, khiến cuộc sống của họ gặp nguy hiểm. Một phân tích cho thấy mắc tiểu đường loại 2 trước 30 tuổi có thể làm giảm 14 năm tuổi thọ.
Bởi vậy, các tác giả khuyến cáo nhóm có nguy cơ cao nên quan tâm tới sức khỏe để được y tế hỗ trợ, tránh mất nhiều năm cuộc đời.
Giáo sư Emanuele Di Angelantonio cho biết: “Bệnh tiểu đường loại 2 từng được cho rằng ảnh hưởng chủ yếu đến người lớn tuổi. Nhưng chúng tôi ngày càng thấy nhiều người trẻ được chẩn đoán mắc bệnh. Điều này đồng nghĩa họ đứng trước nguy cơ có tuổi thọ ngắn hơn nhiều”.
Số liệu từ Vương quốc Anh cho thấy, hơn 4,3 triệu người dân nước này mắc bệnh tiểu đường nhưng khoảng 850.000 người vẫn chưa được chẩn đoán. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã chi ít nhất 12 tỷ USD mỗi năm cho căn bệnh này - khoảng 10% toàn bộ ngân sách của NHS.
Bệnh tiểu đường loại 2 khiến lượng đường trong máu trở nên quá cao do các bất ổn trong sản xuất hormone insulin - loại hormone giúp phân hủy glucose. Người bệnh có thể gặp những biến chứng nguy hiểm bao gồm các vấn đề về thận, ung thư, đau tim và đột quỵ.
Nghiên cứu trước đây cho thấy người trưởng thành bị tiểu đường loại 2 trung bình chết sớm hơn 6 năm so với người không mắc bệnh này.
Nghiên cứu mới nhất, được công bố trên tạp chí Bệnh tiểu đường và Nội tiết, đã xem xét mức giảm tuổi thọ thay đổi như thế nào tùy theo độ tuổi mắc bệnh tiểu đường. Nhóm tác giả đã xem xét hồ sơ sức khỏe của 1,5 triệu người ở châu Âu và Mỹ.
Theo đó, thời điểm mắc bệnh càng sớm thì nguy cơ qua đời sớm càng cao so với những người khỏe mạnh. Bị bệnh trước 30 tuổi sẽ giảm 14 năm tuổi thọ; 30-40 tuổi sẽ giảm 10 năm; 40-50 tuổi sẽ giảm 6 năm.
Tiến sĩ Stephen Kaptoge cho biết: “Bệnh tiểu đường loại 2 có thể được ngăn ngừa nếu những người có nguy cơ cao nhất được xác định và nhận hỗ trợ như thay đổi hành vi hay dùng thuốc”.