Hành trình cùng con trai gần 3 tuổi đi xuyên Việt
Chị Dương Thị Kim Cảnh (SN 1985, người dân tộc Dao, sống Thái Nguyên) bắt đầu với chuyến đi trải nghiệm đầu tiên vào năm 2013. Ba năm sau, chị cùng hội đam mê phượt tham gia nhiều chương trình thiện nguyện và duy trì đam mê xê dịch đến nay khi đặt chân tới nhiều vùng miền của tổ quốc, trải nghiệm văn hóa của các địa phương khác nhau.
Hơn 2 năm nay, người phụ nữ này còn có thêm một người bạn đồng hành đặc biệt là cậu con trai nhỏ tên Giàng. Trên chiếc xe wave, cậu bé đã cùng mẹ khám phá hầu hết các tỉnh thành khắp Việt Nam, trải nghiệm những điều thú vị.
Chị Kim Cảnh cùng con trai đi phượt nhiều nơi từ khi bé mới 18 tháng tuổi.
Ngay từ khi mang bầu, chị Kim Cảnh đã lên kế hoạch chờ con đủ lớn để cùng mẹ đi ngao du. Khi Giàng được 18 tháng tuổi, chị đưa con thực hiện hành trình đầu tiên, dài 11 ngày qua các tỉnh vùng Đông Bắc như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn...
Chị hy vọng, sự va chạm xã hội, bươn chải, đi đây đó từ nhỏ sẽ giúp con trưởng thành và mạnh mẽ hơn về sau.
“Tôi muốn con đi là để được trải nghiệm với khí hậu của các vùng miền khác nhau, từ nơi 0 độ, 1 độ hay trên 40 độ vẫn thích nghi được. Con có thể thưởng thức các đồ ăn của từng địa phương, khám phá những điều mới mẻ. Điều khiến tôi tự hào nhất là bé được 30 tháng tuổi rồi nhưng chưa từng phải đi bệnh viện hay dùng qua một viên thuốc tây nào. Đây cũng là động lực để tôi đưa con đi nhiều hơn”, bà mẹ đơn thân người Dao chia sẻ.
Hiện tại, cậu bé Giàng mới gần 3 tuổi nhưng đã có cơ hội đặt chân tới nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Gần đây nhất, cậu bé đã theo mẹ đi khắp các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh phía Nam và check-in ngã 3 Đông Dương (Ngọc Hồi - Kon Tum), Mũi Cà Mau (Cà Mau), Mũi Đại Lãnh (Phú Yên), trải nghiệm cuộc sống của một số đồng bào Tây Nguyên và miền tây sông nước.
Đưa con đi phượt nhiều nơi từ khi còn nhỏ, chị Kim Cảnh phải đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, chị khẳng định bản thân có đủ kinh nghiệm, kỹ năng sinh tồn để đảm bảo an toàn cho con trai.
Trước mỗi chuyến đi, người phụ nữ này chuẩn bị đầy đủ vật dụng, tư trang cá nhân, kèm theo thuốc, đồ y tế,… Chị cũng cẩn thận theo dõi thời tiết, chỉ khởi hành khi trời nắng, trời lạnh, tuyệt đối không di chuyển lúc trời mưa.
Chị cho biết, mỗi chặng đường, sau khi di chuyển khoảng 1,5-2 giờ đồng hồ, hai mẹ con sẽ dừng lại nghỉ ngơi, tranh thủ đi vệ sinh và ăn uống. Ngoài di chuyển chủ yếu bằng xe máy, mẹ con chị còn kết hợp trải nghiệm các phương tiện khác như xe khách giường nằm, máy bay để hành trình thuận tiện và an toàn hơn.
Về chỗ nghỉ, ngoài thuê khách sạn, phòng trọ hay homestay, chị cũng chủ động cho con trải nghiệm cắm trại, ngủ lều trong điều kiện thời tiết thuận lợi.
Bé Giàng thích thú trải nghiệm các hoạt động trong mỗi chuyến đi phượt cùng mẹ.
Kể về những chuyến đi, chị Kim Cảnh nhớ nhất lần hai mẹ con di chuyển qua đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoạn từ cầu Đakrông (Quảng Trị) đến Thạnh Mỹ (Quảng Nam). Mặc dù đã tìm hiểu rất kỹ về cung đường này nhưng chị Cảnh vẫn không khỏi hoang mang dù thời điểm đó đang vào giữa buổi trưa.
“Khi qua cửa khẩu A Đớt (Huế), check-in cột mốc 666 xong thì mẹ con mình đi vào khu bảo tồn Sao La. Khu rừng ở đây rất vắng vẻ. Lúc tới hai hầm A Roàng 1 và A Roàng 2 là 12h trưa nhưng trời tối mù mịt, hai mẹ con trải qua khoảng thời gian “3 không”: không sóng điện thoại, không hàng quán và không người. Mình phải dừng xe, cho con ăn trưa bằng đồ mang theo.
Đoạn đường trong rừng rất trơn, nhiều khúc cua và dốc, con thì ngủ say vì thấm mệt nên khó khăn lắm, mình mới di chuyển được đến khu dân cư thưa thớt thuộc địa phận A Tép (Quảng Nam)”, chị nhớ lại.
Chị thừa nhận, việc đi phượt cùng con nhỏ tuy không quá vất vả nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều tình huống mà mình khó lường trước được. Tuy nhiên, sau mỗi chuyến đi, thấy con vui vẻ, ngoan ngoãn và khỏe mạnh hơn, chị rất yên tâm và có thêm động lực thực hiện các hành trình sau đó.
“Nhìn con háo hức, hồn nhiên vui chơi, khám phá đó đây, mình hạnh phúc lắm. Con có thể tự ăn uống, tự tin giao tiếp với tất cả mọi người trên mỗi cung đường, ai hỏi hay cho gì là lập tức khoanh tay ạ chứ không cần nhắc”, người mẹ dân tộc Dao tâm sự.
Nuôi dưỡng tình yêu đồng bào dân tộc Dao
Chị Kim Cảnh luôn tâm niệm và dành tình yêu, sự tự hào về dân tộc Dao của mình. Chị cũng truyền tình yêu đó tới con qua cách nuôi dạy khá đặc biệt. Trong những chuyến đi phượt đến đâu có đồng bào Dao, chị đều đưa con đến đó để giao lưu, trải nghiệm.
Chị Cảnh chia sẻ: “Mình trò chuyện với Giàng hoàn toàn bằng tiếng Dao. Bất cứ ai làm quen, trò chuyện, giao tiếp với con mình đều yêu cầu họ nói tiếng dân tộc. Còn khi con đi học, cô giáo sẽ dạy con tiếng phổ thông, từ đó con có sự nhạy bén trong ngôn ngữ và linh hoạt hơn trong giao tiếp”.
Mỗi chuyến đi tới những miền đất mới, hai mẹ con cũng thường mặc bộ trang phục truyền thống của người Dao để lan tỏa vẻ đẹp văn hóa của dân tộc tới mọi người, mọi vùng miền.
Chị Kim Cảnh dự định khi con lên 4 tuổi sẽ dạy bé học tiếng Anh từ nguồn kiến thức và kinh nghiệm của mình để có thể cùng con thực hiện các chuyến đi xa hơn, tới các quốc gia khác như Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Malaysia.
Ảnh: Dương Thị Kim Cảnh