Vụ việc 5 người nhập viện cấp cứu sau khi ăn lẩu, uống rượu tại một quán ăn vỉa hè tại phường Sông Cầu, TP. Bắc Kạn, lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm thức ăn đường phố.

Ngay khi nhận thông tin ban đầu về các sự việc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ngay lập tức có công văn đề nghị sở y tế địa phương tạm thời đình chỉ quán ăn xảy ra vụ ngộ độc để tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm chuyển gấp về cơ quan chức năng để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.  

Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu rượu trắng tại bàn ăn của quán lẩu có hàm lượng methanol cao gấp hơn 30 lần cho phép. Đây là nguyên nhân khiến các thực khách ngộ độc.  

W-thuc-an-duong-pho-1.jpg
Nhiều người lựa chọn mua thực phẩm, đồ uống tại các gánh hàng, xe đẩy trên vỉa hè vì tính tiện dụng. Ảnh: Hoàng Linh

Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố nêu rõ: Điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố là phải bảo đảm đủ nước sạch; có dụng cụ riêng gắp thức ăn chín; không để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống; người trực tiếp làm dịch vụ chế biến, kinh doanh thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ.

Thế nhưng, đối chiếu những quy định này, không phải cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố nào cũng đều đáp ứng được. 

Tại Hà Nội, trong tháng 8, riêng quận Hai Bà Trưng có 22 cơ sở thuộc 10 phường bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Còn tại quận Đống Đa, 8 tháng đầu năm nay, 37 cơ sở đã bị xử phạt với tổng số tiền trên 275 triệu đồng.

Vi phạm chủ yếu là nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Các cơ sở cũng sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn…

Thức ăn đường phố tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cao cho sức khỏe

Thức ăn đường phố phong phú chủng loại từ bún, phở đến cơm, cháo, nước giải khát, bánh kẹo, hoa quả…, người dân có thể lựa chọn nhanh chóng đồ ăn, thức uống với giá cả phù hợp, tiết kiệm nhiều thời gian.

Kinh doanh thức ăn đường phố cũng tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều người lao động, đặc biệt là những lao động thời vụ. Tuy nhiên, theo Cục An toàn thực phẩm, kinh doanh thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cao. 

Ví dụ, không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nguyên liệu không được lựa chọn kỹ, nơi bán hàng gần khu công cộng như đường phố, bến tầu xe, dễ ô nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, hóa chất độc hại, có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm (như sốt thương hàn, viêm gan, viêm dạ dày, lỵ và các nhiễm trùng khác).

Điều này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người tiêu dùng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, giao thông, môi trường, mỹ quan đô thị.  

Các chuyên gia về an toàn thực phẩm cho rằng cơ quan chuyên môn y tế và địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm. Người dân cũng cần nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm, tránh sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Để tránh tối đa rủi ro liên quan đến ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không mua những loại thực phẩm như mực khô, bò khô, hoa quả dầm, nộm, thịt nướng… ở những nơi bụi bặm mà không có nắp đậy cẩn thận.

Ngoài ra, không ăn rau sống, rau thơm thường được dùng ăn kèm với các món bún riêu, bánh cuốn, bánh mỳ patê… bày bán ở các quán hàng vỉa hè, tránh nhiễm ấu trùng giun, sán còn bám lại trên rau rửa chưa sạch. Rau sống nếu mua từ các hàng này đem về nhà thì nên rửa lại sạch sẽ. Không ăn quẩy, bánh rán, nem rán… chế biến trong những chảo dầu có màu quá đen. 

Hoàng Linh

Thức ăn tốt nhất cho nãoTiến sĩ Eric Berg cho biết, cá hồi có thể ngăn ngừa chứng viêm não, cải thiện trí nhớ cũng như kỹ năng học tập.