Đó là vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Xin giới thiệu góp ý của Chính phủ đối với dự thảo nghị quyết của Quốc hội, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trong phiên họp chuyên đề như dưới đây.
Các thành viên Chính phủ nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ.
Nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài xuất nhập cảnh Việt Nam…
Các chính sách này được đề xuất đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023 để thực hiện ngay trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Thông tin từ phiên họp cho biết, việc này nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài (khách du lịch, nhà đầu tư, doanh nhân…) trong nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
Trước đó, ngày 15/3 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử.
Vấn đề tạo thuận lợi xuất nhập cảnh cho người nước ngoài, đặc biệt visa cho khách du lịch quốc tế, đã được nêu lên từ lâu bởi các hiệp hội doanh nghiệp, trong các diễn đàn đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều năm nay.
Gần đây nhất, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2023 các doanh nghiệp FDI đã đề xuất các giải pháp như tăng cường visa điện tử, mở rộng miễn phí thị thực cho càng nhiều quốc gia càng tốt.
Đối với các du khách đến từ thị trường Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ - những thị trường du lịch lớn có đường bay thẳng với Việt Nam – họ đề nghị, sớm thỏa thuận chính sách visa dài hạn song phương với thời hạn từ 5 - 10 năm, tương tự visa dài hạn mà một số quốc gia đã và đang cấp cho công dân Việt Nam để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Thông điệp của Chính phủ cho thấy sự đồng hành cùng với những kiến nghị của doanh nghiệp, giúp thêm động lực cho ngành du lịch gặp nhiều khó khăn sau mấy năm đóng cửa để chống dịch bệnh trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Thái Lan là một minh chứng. Năm 2019 có 39 triệu lượt khách du lịch quốc tế thăm Thái Lan, cao hơn gấp đôi so với 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế thăm Việt Nam. Năm 2022 Thái Lan đón hơn 11 triệu khách, cao gấp ba lần so với 3,7 triệu khách đến Việt Nam. Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, trong khi Thái Lan đặt mục tiêu đón 30 triệu khách, gấp gần 4 lần.
Báo cáo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2023 cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở ASEAN mở cửa du lịch nhưng ngành du lịch Việt Nam dần đánh mất ưu thế dẫn đầu. Tỷ lệ phục hồi du lịch chỉ đạt hơn 18%, xếp sau nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, quốc gia mở cửa cùng thời điểm có tốc độ phục hồi đạt 22% và những quốc gia mở cửa du lịch muộn hơn như Singapore đạt 30,9% hay Malaysia là 27,5%.
Việc so sánh luôn là khập khiễng, nhưng những con số nêu trên cho thấy, Việt Nam có nhiều không gian để cải thiện, để đón thêm nhiều du khách quốc tế nếu không bằng lòng với hiện trang.
Bối cảnh ngành du lịch Việt Nam hiện nay rất khó khăn, nhiều khu du lịch đóng cửa, nhiều doanh nghiệp du lịch không còn năng lực tài chính để hoạt động, nhiều người lao động không có hoặc thiếu việc làm.
VietNamNet cũng từng có bài viết phản ánh, nhiều khách sạn ở Đà Nẵng và nhiều địa phương du lịch khác đang phải rao bán, trong đó có các khách sạn 4-5 sao do bị ngâm vốn cả nghìn tỷ đồng, do thiếu khách.
Trong khi đó, việc thu hút tốt khách quốc tế đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế. Khách quốc tế thường có thời gian lưu trú dài (từ 8-12 ngày), chi tiêu lớn (từ 1.100 - 2.000 USD/chuyến đi). Năm 2019 trước đại dịch, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, tương ứng 21% số lượt khách nội địa nhưng doanh thu đạt được chiếm 2/3 doanh thu toàn ngành.
Đây là những cơ sở dữ liệu rất tốt để quyết tâm cải thiện vấn đề visa cho khách du lịch quốc tế hiện nay.
Tất nhiên, vấn đề visa không phải tất cả vì để ngành du lịch cất cánh, thu hút và giữ chân du khách quốc tế, còn cần nhiều nỗ lực khác. Nhưng cam kết của Chính phủ trong việc mở rộng visa đang mang lại hy vọng lớn cho kinh tế đất nước.
Lan Anh