Sinh thời, ông Đặng Văn Thân (tự Ba Thân) là người dám nghĩ, dám làm, táo bạo trong công việc. Trong cách sống, ông là người giản dị, gương mẫu nên khi qua đời đã có hàng nghìn người thương tiếc đến viếng ông.
Sáng 27/5, Lễ viếng nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân diễn ra trong không khí trang nghiêm, đầy xúc động tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (số 5, Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM).
Đúng 9h, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã dẫn đầu đoàn cán bộ, nhân viên ngành Thông tin và Truyền thông vào viếng, thắp nén nhang tiễn biệt nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân.
Sau lời chia buồn và động viên gia quyến của ông Ba Thân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã ghi vào sổ tang: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đặng Văn Thân, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện. Đồng chí là người mang đến luồng gió của tư duy đổi mới vào ngành Bưu điện, có quyết tâm cao về tự lực tự cường, tìm tòi và thực hiện nhiều biện pháp khéo léo và sáng tạo, bứt phá khỏi tư tưởng bao cấp.
Với trọng trách là người đứng đầu, là hạt nhân lãnh đạo, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Tổng cục Bưu điện chỉ đạo ngành Bưu điện Việt Nam tiên phong thực hiện đường lối đổi mới một cách sáng tạo, thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển từ analog sang digital để ngành phát triển, đột phá…
Đồng chí mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với ngành Thông tin và Truyền thông, đối với toàn thể cán bộ, người lao động trong ngành và gia quyến đồng chí. Ngành Thông tin và Truyền thông xin nguyện noi gương đồng chí, đoàn kết một lòng vững bước tiến lên trên con đường cách mạng, tiếp tục nhận lấy sứ mệnh đổi mới và đưa ngành bứt phá vươn lên…”.
Hòa trong dòng người viếng, còn có hàng chục đoàn cán bộ ngành TT&TT, Bưu điện các tỉnh, thành trên cả nước đến chia buồn.
Dám nghĩ, dám làm, luôn xả thân vì lợi ích chung
Đến viếng, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực cũng gửi lời chia buồn và niềm thương tiếc vô hạn cùng gia quyến ông Ba Thân.
Chia sẻ về người tiền nhiệm của mình, ông Mai Liêm Trực cho biết, xả thân, dấn thân là tinh thần làm việc của ông Ba Thân, luôn tất cả vì công việc, vì sự nghiệp chung của ngành và đất nước:
"Trong mọi hoàn cảnh, anh luôn nêu cao tính gương mẫu của người lãnh đạo, chính điều đó đã cuốn hút, làm cho cả ngành gắn bó, đoàn kết đi theo những quyết định táo bạo và sáng suốt của anh. Từ đó, đưa ngành Bưu chính viễn thông phát triển mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu".
Một ví dụ cụ thể là khi Việt Nam biết được thế giới đang chuyển sang công nghệ số trong mảng điện thoại. Lúc đó, trên thế giới chỉ có khoảng 5% số nước sử dụng công nghệ này, nhưng ông Ba Thân đã quyết định đi thẳng vào công nghệ hiện đại, công nghệ số. Quyết sách lúc đó làm nhiều người trong ngành lo lắng. Ngay cả bạn bè quốc tế trong hệ thống XHCN cũng cho rằng "rất mạo hiểm", vì Việt Nam đang trong thế bị bao vây, cấm vận, lấy công nghệ từ đâu, tiền đâu để mua, rồi người Việt Nam có theo kịp thời đại công nghệ số chưa… Nhưng ông Ba Thân đã dũng cảm quyết định làm và làm rất thành công.
“Qua những thành công cụ thể từ quyết định của anh, toàn ngành rất tin tưởng, đi theo sự chỉ đạo của anh, đó cũng chính là tầm ảnh hưởng lớn của anh Ba Thân trong ngành”, ông Trực chia sẻ.
Theo ông Mai Liêm Trực, ông Ba Thân cũng là tấm gương của sự trong sạch. Với ông, không bao giờ có chuyện cấp dưới phong bì, phong bao, quà cáp; các đối tác nước ngoài cũng không bao giờ mất khoản “bồi dưỡng” gì khi hợp tác với ngành. Từ uy tín đó, nhiều đối tác đã đóng góp cả triệu USD để cùng ngành Bưu điện đi xây nhiều trường học cho các tỉnh khó khăn.
Ông Mai Liêm Trực đúc kết, bài học mà ông Ba Thân để lại trước hết là sự dấn thân: "Chỉ có dấn thân mới làm được việc lớn".
Cùng chia sẻ tại lễ viếng, ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, ông Ba Thân là người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới cả khi chưa có những quy định cụ thể.
“Những quyết định táo bạo, sự xả thân vì lợi ích chung của anh Ba Thân đã giúp ngành Bưu điện phát triển, rút ngắn được khoảng 20 năm”, ông Hưng khẳng định.
Dấu ấn của ông Ba Thân
Theo những lãnh đạo cùng thời với ông Ba Thân, những năm 1980, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới với nhiều thách thức. Lúc bấy giờ, ngành Bưu chính Viễn thông đứng trước đòi hỏi phải đổi mới công nghệ và dịch vụ. Câu hỏi đặt ra là nên tiếp tục sử dụng công nghệ analog hay tiến thẳng lên công nghệ kỹ thuật số mà các nước phương Tây khi đó áp dụng. Trên cương vị Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện, ông Ba Thân đã có những quyết định mang tính táo bạo, bứt phá khỏi cơ chế cũ.
Theo đó, dưới sự chỉ đạo của vị “tổng tư lệnh” Ba Thân, ngành Bưu điện phát triển theo phương châm bỏ qua công nghệ trung gian, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, tự động hóa, đa dịch vụ hóa, lấy viễn thông làm khâu đột phá.
ĐỔI MỚI VIỄN THÔNG
Đổi mới viễn thông lần thứ nhất cách đây đã hơn 35 năm. Là chuyển đổi thiết bị viễn thông, hạ tầng viễn thông từ thế hệ cũ, lạc hậu analog sang thế hệ số. Cuộc đổi mới lần một đã xây dựng hạ tầng viễn thông Việt Nam hiện đại, đã giải quyết bài toán thông tin liên lạc cho toàn dân. Linh hồn, hạt nhân lãnh đạo của đổi mới lần một là Tổng Cục trưởng Đặng Văn Thân - Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Người trong ngành gọi một cách rất thân thương là anh Ba Thân, chú Ba Thân.
Đổi mới viễn thông lần thứ hai là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số - hạ tầng của nền kinh tế số. Có thể coi đổi mới lần hai này là sự chuyển dịch quy mô lớn nhất, thay đổi bản chất của ngành viễn thông, mở ra không gian mới vô cùng to lớn cho ngành viễn thông, lớn hơn rất nhiều lần không gian thông tin liên lạc. Ý nghĩa của ngành viễn thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng vì thế mà lớn hơn rất nhiều. Cơ hội cũng lớn hơn rất nhiều. Thị trường cũng lớn hơn rất nhiều. Trách nhiệm cũng lớn hơn rất nhiều. Ngành viễn thông đảm nhận một sứ mệnh mới: Xây dựng hạ tầng số hiện đại, bao gồm hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, mở, thông minh và an toàn.
Những bài học của cuộc đổi mới lần một của thế hệ Tổng Cục trưởng Đặng Văn Thân sẽ vẫn còn nguyên giá trị cho lần hai này, đó là: Hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới, làm chủ công nghệ, quyết sách sáng suốt có tầm nhìn xa, huy động mọi nguồn lực, điều hành quyết liệt và qua thử thách này mà hình thành nên một thế hệ cán bộ giỏi cho ngành, cho đất nước.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Những kết quả đạt được sau đó là phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, phát triển máy móc, xây dựng ngành công nghiệp CNTT, các chỉ tiêu về tăng trưởng tài sản, doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước… tăng trưởng xấp xỉ 20 lần so với những năm đầu thời kỳ đổi mới.
Về công nghệ hiện đại số hóa, tự động hóa, đa dịch vụ hóa, ông là người đề xướng chỉ đạo phong trào thi đua “Tăng tốc độ phát triển ngành Bưu chính Viễn thông” giai đoạn 1993-1995 và giai đoạn 1996-2000. Ngoài ra, ông còn tìm tòi và thực hiện nhiều biện pháp thu hút ngoại tệ và công nghệ cao của nước ngoài để đầu tư, phát triển ngành Bưu điện. Sáng tạo nhất có thể kể đến là phương thức thu cước các cuộc gọi từ người nhận ở nước ngoài hay đề xuất Nhà nước bảo lãnh các khoản vay nước ngoài cho ngành Bưu điện, sau đó ngành tự chi trả…
Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân sinh ngày 6/11/1932, tại xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông là Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng khóa VI; Ủy Viên BCH Trung ương Đảng khóa VII; Đại biểu Quốc hội khóa VII. Trong quá trình công tác, ông từng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng nhất; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Lao động Hạng nhất; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương khác.
Ông từ trần lúc 21 giờ 37 phút, ngày 24/5/2023, hưởng thọ 92 tuổi. Linh cữu quàn tại Nhà Tang lễ Quốc gia phía Nam (số 5, Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM). Lễ viếng: 9 giờ ngày 27/5; Lễ truy điệu vào lúc 8 giờ ngày 29/5; Linh cữu của ông sẽ được an táng tại Nghĩa trang xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Ban Tổ chức Lễ tang gồm 15 thành viên, do Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng ban.