LỜI TOÀ SOẠN

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, với hơn 11,4 triệu người cao tuổi. Tuổi thọ trung bình của người Việt ngày càng tăng, năm 2023 là 73,7 tuổi, tương đối cao so với các quốc gia có cùng mức sống.

Tuy nhiên, người cao tuổi nước ta lại có chất lượng sống chưa cao. Vì thế, quan tâm đến cuộc sống của người cao tuổi không chỉ về đời sống sức khỏe thể chất mà còn yếu tố cả yếu tố tinh thần, tâm lý là rất quan trọng.

VietNamNet đăng tải tuyến bài "Tôi trăm tuổi", giới thiệu về cuộc sống vui, khỏe, có ích và truyền cảm hứng của những người cao niên sinh từ năm 1924 trở về trước.

“Nắng nhỉ!”, cụ nói với người con dâu thứ, cô Vũ Thị Thanh, 62 tuổi. Cô Thanh nhanh tay lấy cau, trầu trong hộc tủ, cùng mẹ chồng ra sân “hóng nắng”. “Hôm nay ăn đôi miếng thôi u nhé, ăn vào nóng người nhỡ đâu huyết áp lại tăng!”, cô Thanh nói với mẹ, không phải tăng “âm lượng” như với những cụ cao niên khác, bởi cụ Tít vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh. 

100 tuổi vẫn leo cầu thang, tự ra hàng ăn sáng 

Cụ Tít sinh năm 1924. Tết Giáp Thìn vừa qua, cụ là một trong 3 người ở thôn đón nhận Thiệp mừng thọ 100 tuổi của Chủ tịch nước - ông Vũ Hồng Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của thôn Yên Xá, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội), cho biết. 

“Cụ dù đã qua tuổi 100 nhưng vẫn có thể leo cầu thang bộ lên tầng 2, ngày ngày tự đi bộ ra hàng ăn sáng trừ hôm trời giá rét để không phiền đến con cháu. Thấy bóng tôi từ xa, cụ đã tinh mắt nhận ra, rồi thân tình hỏi chuyện”, ông Thanh kể. 

Bóp bép nhai miếng trầu vừa tự tay giã, cụ Tít nhoẻn miệng cười, khoe hàm răng đã móm hết khi các con đưa tập album ảnh xưa ra ôn chuyện cũ. “Thằng Tùng chứ ai! Bé nhỉ!, cụ Tít thủng thẳng, chỉ vào tấm ảnh chụp hôm đám cưới cháu trai lớn 17 năm về trước. 

Bài học yêu lao động, bát cơm nóng của người phụ nữ hơn 100 tuổi

Vợ chồng cụ Tít có với nhau 4 người con. Năm 1977, niềm vui đón con dâu cả về được vài tháng chưa trọn, người phụ nữ này lại đau đớn khi chồng bà đột ngột ra đi sau trận cảm mạo. Góa phụ 4 con Đỗ Thị Tít khi đó mới 53 tuổi, con trai út chỉ vừa lên 8. Hàng chục năm sau đó, bà một tay nuôi con, dựng vợ gả chồng, có mặt trong tất cả đám cưới của con, cháu. 

“U tôi suốt đời làm việc, luôn chân tay, chỉn chu, kỷ luật, tình cảm, ít phàn nàn về cuộc đời và con cái”, cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 67 tuổi, con dâu cả của cụ Tít, chia sẻ. Luôn làm việc, lao động, cụ Tít cười: “Thế nên không cần phải nghĩ dành thời gian đi tập thể dục như tụi trẻ con bây giờ”. Một người con của cụ cười, nói có thể nhờ việc yêu lao động, hay lam hay làm, luôn lo toan cho gia đình nên cụ rèn được sự minh mẫn, dẻo dai. 

W-cuba101tuoi.jpg
Cụ Đỗ Thị Tít và hai người con dâu ôn lại kỷ niệm qua những bức ảnh gia đình từ hàng chục năm trước. Ảnh: Chí Hiếu

Cụ Tít có tất thảy 12 người cháu nội ngoại và hơn 20 người chắt. Mỗi dịp tề tựu, cụ nhìn từng lượt, đếm rồi nhắc tên cháu, chắt nào bị vắng mặt. “Trời thương cho u tôi 101 tuổi nhưng ngày vẫn 2-3 lượt đi bộ sang nhà con trai, không thấy cháu đâu liền hỏi ngay”, cô Thanh kể.

Bên ấm trà mạn, bỏm bẻm nhai trầu, cụ Tít kể về những ngày tháng cách đây hàng chục năm bẳng giọng thủng thẳng, rõ ràng. Cụ nói từng nuôi giấu cán bộ cách mạng trong nhà. Ngày ấy làng Yên Xá không họp chợ nên mỗi ngày cụ đi bộ 3km lên Hà Đông mua thực phẩm về thổi cơm ngày ba bữa. “Rồi còn ‘trông Tây’ nữa chứ!”, cụ kể, ký ức rành rọt. Cụ cũng chia sẻ về những ngày tháng gian khó thời bao cấp, một nách nuôi mấy người con, sáng 3 giờ đã trở mình tỉnh dậy đi cấy lúa, mái nhà dột đích thân lợp lại.

“U tôi yêu vận động, không để chân tay ngơi nghỉ. Ở tuổi 90, u vẫn trồng rau, đi hái rau mang đến từng nhà cho các con, các cháu. Những năm trước Covid-19, khi ấy đã qua tuổi 95, u vẫn tự đi bộ ra đình, ra làng, gặp gỡ mọi người”, cô Tuyết chia sẻ. 

Sống hơn 100 tuổi, cụ Tít chưa từng đau mỏi xương khớp, lưng không có dấu hiệu còng như nhiều người lớn tuổi khác. Số lần đi viện của cụ "đếm trên đầu ngón tay", chưa lần nào nằm viện quá 2 ngày, trừ lần mổ nội soi ruột thừa cách đây vài năm. Nhờ thể trạng khỏe mạnh, cụ hồi phục rất nhanh. Suốt 3 năm dịch Covid-19 hoành hành, cụ cũng là người duy nhất trong gia đình không "dính" dù xét nghiệm liên tục. Chỉ đôi năm nay, cụ mới nhờ đến cây gậy mỗi lần đi lại. 

“Có lẽ là gene di truyền, những người anh chị em ruột của u tôi đều thượng thọ, tất cả đều sống trên 90, 95 tuổi, sống khỏe mạnh, minh mẫn đến giờ phút cuối đời”, ông Hoàng Văn Hùng, 70 tuổi, con trai cả của cụ Tít, chia sẻ. Trong dòng họ Đỗ ở Yên Xá, không hiếm người sống tới 100 tuổi.  

“Đến giờ, khi dạy các cháu, chắt, u vẫn luôn nhắc bài học hàng đầu để giữ sức khỏe là luôn giữ ấm bản thân, nếu mệt mỏi, ốm người, hãy ăn cơm nóng, uống nước ấm”, ông Hùng nói thêm. Kế bên con, cụ Tít gật gù đồng tình, giải thích thêm: “Cơm nóng giúp vã mồ hôi, tiêu độc”. 

W-cuba101tuoi-3.jpg
“Giờ tôi chỉ mong khỏe mạnh để không làm phiền, làm khổ con cháu”, cụ Tít nói.

Phải luôn yêu lao động, cụ Tít cũng để lại cho con cháu bài học về tính kỷ luật, tình thương yêu và sự lạc quan. “U tôi ngày trước cứ mỗi lần đi chợ về, mua được 5 quả trứng lại mang cho cháu 2 quả, mua con cá liền mang vài khúc sang cho cháu con. Tình cảm vô cùng, dù thế hệ cụ không một lời nói yêu con, quý dâu”, cô Thanh xúc động nhớ lại. 

Giữ nếp gia phong tứ đại đồng đường, 3 nàng dâu chung sống gần 2 thập kỷ

Hiện cụ Tít sống trong gia đình 4 thế hệ. Cụ vẫn cười với lời đùa của cô cháu dâu ngoan hiền khi nói: Giữa đất Hà Nội, có gia đình sống với 3 nàng dâu: dâu bà, dâu mẹ, dâu con, sống với nhau gần 2 thập kỷ. Bữa cơm 7 người luôn rộn ràng tiếng cười.

Kể chuyện về người phụ nữ lớn tuổi nhất nhà, các con của cụ vẫn nói “ơn giời” bởi trời thương cho cụ khỏe mạnh, mỗi bữa hai lưng bát cơm nóng. Cụ cũng khiến lớp trẻ thán phục vì không ngại các món sườn sụn ninh mềm.

Thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nơi cụ Tít sinh sống hơn 100 năm nay vốn có truyền thống trường thọ. Ông Vũ Hồng Thanh cười lớn khi kể thậm chí, có người còn đùa vui “ra ngõ là gặp cao niên”. Ông Thanh chia sẻ thôn hiện có 3 tổ hội người cao tuổi, mỗi tổ có từ 35-40 cụ từ 80 đến 100 tuổi. Trong đó có 10 cụ trên 90 tuổi, 3 cụ hơn 100 tuổi.  

“Có lẽ cái tính hay lam hay làm, chịu khó rèn luyện, vận động đã giúp cho người làng tôi khỏe mạnh, sống lâu và ít bệnh tật”, ông Thanh cho hay. Những hoạt động sôi nổi như dưỡng sinh, ca hát, thơ phú, thậm chí là đi chợ, bán trà vẫn tiếp tục được duy trì.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Toàn cho biết năm 2024, toàn thành phố có 884 người tròn 100 tuổi được Chủ tịch nước tặng thiếp mừng thọ; 8.456 cụ tròn 90 tuổi được Chủ tịch UBND thành phố tặng thiếp mừng thọ.