Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố Dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025, xin ý kiến dư luận xã hội và giáo viên.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, đã làm rõ hơn một số thông tin về Dự thảo tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, Cục trưởng Cục QLCL nêu rõ 3 điểm mới của dự thảo này. 

Thứ nhất, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực phù hợp chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Thứ hai, Bộ GD-ĐT muốn nhấn mạnh đến việc định hướng nghề nghiệp qua các môn thi tự chọn từ các môn học chọn học của học sinh, điều này giúp sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích cho các em.

Thứ ba, theo lộ trình từ năm 2025-2030, từng bước, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để tổ chức kỳ thi trên máy tính. 

thisinh.jpg
Thí sinh Hà Nội trong buổi làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh

Trực tiếp dạy học gần 40 năm, qua mấy kỳ thay sách và đổi thi, tôi thấy Phương án 2+2, Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025: “Thi môn Ngữ văn, Toán và 2 môn lựa chọn” là phù hợp, đúng Luật Giáo dục và đáp ứng yêu cầu phát triển và đánh giá năng lực toàn diện người học của Nghị quyết 29/TW về đổi mới toàn diện giáo dục. 

Cụ thể, Phương án 2+2 đáp ứng cả 2 mục tiêu tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Môn Ngữ văn và Toán là 2 trong 4 môn bắt buộc, còn 2 môn lựa chọn sẽ theo khối/ngành theo năng lực của thí sinh. 

Học khối Tự nhiên, thí sinh chọn Hóa-Lý hoặc Hóa-Sinh, hoặc Lý-Tin, Hóa-Công nghệ; khối Xã hội, thí sinh chọn 2 môn Sử-Địa, Địa-Công nghệ, Sử-Mỹ Thuật hoặc Sử-GDKT-PL, Ngoại ngữ-Sử… Thí sinh có thể chọn luôn 4 môn bắt buộc hoặc theo khối D, (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và chỉ chọn thêm môn thứ 4 tùy thích. 

Với Phương án 2+2, kỳ thi chung quốc gia sẽ với 1,5 ngày, giảm áp lực học và thi và phù hợp, nhẹ nhàng và ít thay đổi nhất.

Kiểm tra, đánh giá là khâu cuối của hoạt động giáo dục. Đổi mới toàn diện đề thi, tổ chức thi và đánh giá sẽ phân hóa được năng lực hiểu biết và thực hành, điểm sẽ gần chất lượng thực hơn. 

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các môn học đều thay đổi từ nội dung đến phương pháp dạy và học, đặc biệt là môn Ngữ văn. Học thuộc nhiều, nhớ nhiều và giỏi lý thuyết dần sẽ bị đào thải. 

Phương án 2+2 thi 4 môn sẽ đảm bảo công bằng giữa 2 hình thức học phổ thông và giáo dục thường xuyên (GDTX). Bằng tốt nghiệp như nhau, nhưng học sinh GDTX thi ít môn hơn. Chúng ta cũng cần nhìn lại vị thế của môn Ngoại ngữ để trả môn này về đúng vị trí là lựa chọn của học sinh có nhu cầu học đại học, du học hoặc đi làm với doanh nghiệp nước ngoài. 

Năm 2023, cả nước có 1.025.166 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có 660.000 (khoảng 66,%) nguyện vọng đại học. Như thế, theo tôi, số thí sinh phải học thâu đêm để thi chiếm 2/3, còn 1/3 phải miễn cưỡng đóng học phí và ôn thi.

Thực tế, hiện vẫn còn quan niệm thi môn nào thì học môn đó. Một phần, do cuộc đua xếp thứ hạng còn gay gắt nên việc cắt xén linh hoạt giờ học môn không thi vẫn còn ở một số trường. Bên cạnh đó, do quan niệm môn chính môn phụ, học để đi thi, học ngành kiếm nhiều tiền trở thành xu thế của học trò hiện nay. 

Khi những chỉ đạo và kế hoạch nhà trường, nhất là kiểm tra đánh giá không còn môn chính môn phụ, giáo viên sẽ phải thay đổi phương pháp dạy và học trò thay đổi phương pháp học. Từ đó giúp thay đổi mục tiêu học của con hướng đến năng lực và đam mê. 

Mục tiêu của giáo dục phổ thông thời nào, quốc gia nào cũng nhằm trang bị những hiểu biết nền tảng và kỹ năng cơ bản. Một chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thống nhất với những yêu cầu cần đạt, dù học theo bộ sách giáo khoa nào, với 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn thi tốt nghiệp sẽ thỏa mãn nhu cầu học theo năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của thí sinh.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã thay đổi hoàn toàn từ nội dung bài học, phương pháp dạy và học, tất nhiên, kiểm tra, đánh giá và thi cũng cần thay đổi. Thi 4 môn của Phương án 2+2 là phù hợp, góp phần định hướng cho người dạy, người học về giáo dục phải hướng đến mục tiêu phát triển con người toàn diện về nhân cách và trí tuệ.

Nguyễn Văn Lự (nguyên giáo viên THPT ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)