Tôi có thói quen vò nát rau cho mềm hơn sau đó rửa lại và nấu canh. Tuy nhiên, mọi người lại nói cách làm đó làm rau mất chất. Theo bác sĩ, quan niệm này đúng không? Xin cảm ơn! (Lê Ngọc Hà - Bắc Ninh)
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, tư vấn:
Mùa hè có nhiều loại rau xanh tốt như rau mồng tơi, ngót, muống, dền… Thành phần của loại thực phẩm này chứa nhiều nhiều vitamin A, B, C, axit folic và một số chất khoáng có tính kiềm như kali, canxi, magie.
Các chất dinh dưỡng này có tác dụng trung hòa axit do thức ăn tạo ra hoặc từ quá trình chuyển hóa, ngăn ngừa gốc tự do, phòng chống ung thư, tim mạch và nhiều bệnh mạn tính khác. Đặc biệt, các loại rau màu xanh đậm chứa nhiều magie, canxi, sắt…
Rau là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào nhất. Đây là một loại carbohydrate mà cơ thể không thể tiêu hóa. Khi vào ống tiêu hóa, hầu hết các loại carbohydrate được phân cắt thành các phân tử đường để hấp thu sau đó, nhưng chất xơ không bị biến đổi mà sẽ đi qua cơ thể và đào thải qua phân.
Vì vậy, các chuyên gia đều khuyến nghị chúng ta cần ăn khoảng 300-400g rau/ngày và 200-300g quả chín/ngày; ăn đa dạng các loại rau, củ, quả chín để bổ sung nguồn chất xơ bao gồm cả xơ hòa tan và xơ không hòa tan.
Khi sơ chế rau, bạn không vò nát rau để giữ được các chất dinh dưỡng. Khi rau dập nát, lượng vitamin, nhất là vitamin C, sẽ mất, chỉ còn bã chất xơ.
Nhiều người có thói quen cắt rau thật nhỏ hoặc vò nát trước khi rửa với suy nghĩ làm như vậy rau mới sạch, mềm, loại bỏ bớt đất bẩn bám trên rau.
Tuy nhiên, quá trình này làm mất một lượng lớn vitamin. Một số rau cứng như bí mới nên vò mềm nhưng thực hiện sau khi rửa sạch, chuẩn bị cho vào nấu.
Ngoài ra, các bà nội trợ cũng không nên ngâm rau vào nước quá lâu mới rửa vì làm mất chất dinh dưỡng.
Sau khi nấu chín, canh rau nên được ăn ngay sẽ giữ được mùi thơm và các vi chất dinh dưỡng mất đi không đáng kể.