Nhiều năm trước, ai bước chân về làng Xối Trì (Nam Thanh, Nam Trực, Nam Định) đều rất thích thú bởi nơi đây chính là làng nghề thổi thủy tinh truyền thống. Xuyên ngày đêm, 30-40 lò than đỏ lửa. Những người thợ lành nghề thay nhau thổi những chiếc đèn dầu, bóng đèn, nắp phích... Cả làng phất lên nhờ nghề thổi thủy tinh. Từ những đứa trẻ 10 tuổi đến những người ngoài 70 đều có thể làm việc một cách thành thạo.
Thế nhưng ngày nay, làng nghề ấy đã dần mai một. Trong số hơn 250 hộ dân, chỉ còn 3 hộ theo nghề của cha ông truyền lại. Sản phẩm họ làm ra chỉ duy nhất một thứ, đó là chiếc cốc thủy tinh màu xanh xuất hiện trong hầu hết các quán bia hơi. Cũng bởi sức sống mãnh liệt của những chiếc cốc, 3 hộ dân ở Xối Trì mới kiên quyết bám nghề, giữ gìn truyền thống của cha ông.
Ông Phạm Văn Dương (56 tuổi) là người thừa hưởng nghề từ bố nhiều năm trước. Xưởng thổi thủy tinh của ông nằm sát mặt đường lớn nên việc giao dịch khá thuận lợi.
Ông kể, mùa hè, những đơn hàng lớn đến thường xuyên, làm không xuể. Những tưởng đó sẽ là lợi thế, là nguồn thu nhập lớn cho gia đình và thợ, nhưng ông Dương lại lắc đầu: “Hiện xưởng có 5 thợ chuyên thổi, 5 người còn lại làm những công việc nhặt mảnh, đun thủy tinh, cắt miệng cốc, ủ tro, đóng hàng. Mỗi ngày chúng tôi làm ra gần 3.000 chiếc cốc xuất đi. Thợ thổi phải làm 2 ca sáng và đêm”.
Khi được hỏi tại sao không thuê thêm thợ và gia tăng sản xuất, ông Dương chia sẻ: “Công việc quá vất vả vì toàn bộ đều làm thủ công, không có máy móc công nghiệp. Tiền thuê người làm, tiền mua nguyên vật liệu quá nhiều nên lợi nhuận thu được cũng không đáng là bao so với công sức mình bỏ ra. Chúng tôi chỉ có thể làm ở mức như vậy. Làm quá, bỏ vốn nhiều hơn, lợi nhuận cũng không hơn mà sức người có hạn”.
Ông cũng từng nghĩ đến việc đầu tư máy móc hoặc thay đổi dây chuyền nào đó để sản xuất tốt hơn. Nhưng tất cả cũng không bù lại được lợi nhuận.
Có lẽ vì vậy mà trải qua nhiều năm, làng Xối Trì đã không còn nhiều người theo đuổi công việc cha ông truyền lại. Những người trẻ ra ngoài mưu sinh, chọn công việc nhẹ nhàng, nhàn hạ hơn với mức thu nhập tương đương. Những người thợ lão làng không có công việc khác nên tiếp tục theo nghề.
Bao năm qua, dù mai một nhưng làng nghề vẫn “sống” bởi chiếc cốc uống bia huyền thoại vẫn là sản phẩm được nhiều người yêu thích.
Là người làm nghề lâu năm, ông Phạm Văn Lĩnh (53 tuổi) cho rằng, việc cạnh tranh với thị trường công nghiệp là không thể khi tất cả chỉ dừng lại ở sản xuất thủ công thô sơ. Nhưng thứ khiến cốc thủy tinh "sống" là bởi nó đã trở thành văn hóa uống bia hơi bao đời nay không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh thành. Đó là lý do gia đình ông và 2 hộ còn lại vẫn bám trụ, cố mưu sinh bằng nghề.
Theo ông, giá trị của chiếc cốc thủy tinh thủ công nằm ở bọt khí. Những chiếc cốc tạo bọt tái sinh khiến người uống bia cảm giác bia lúc nào cũng tươi, thêm phần ngon miệng. Màu xanh của cốc quyện cùng màu vàng của bia tạo ra một thứ màu sắc dịu nhẹ, mát mẻ, đi vào lòng người. Nhiều người nhận xét, chiếc cốc khiến việc uống bia không chỉ ngon miệng mà còn “ngon mắt”.
“Sợ không còn ai theo nghề nữa”
“Hết đời chúng tôi sợ không còn ai theo nghề nữa”. Đó là chia sẻ của ông Phạm Văn Linh (71 tuổi), thợ thổi thủy tinh tại làng Xối Trì. Ông Linh cho biết, người trẻ của làng không còn ai theo nghề bởi công việc quá vất vả, mất sức mà thu nhập không hơn những việc làm thuê bên ngoài. Những người thợ lớn tuổi như ông còn làm bởi “tuổi chúng tôi không làm việc này thì biết làm gì? Dù sao đó cũng là việc quen nhiều năm nay”.
Trong suốt nhiều năm làm nghề, những người thợ thủ công cũng đau đáu nghĩ về những cải tiến để giúp công việc thuận lợi, đỡ vất vả hơn.
Ông Đặng Tiến Dũng (50 tuổi, làm cơ khí tại làng Xối Trì) là người trực tiếp tham gia vào quy trình cải tiến công đoạn cắt miệng cốc cho các xưởng thủ công kể
“Trước đây, khâu cắt miệng cốc được sử dụng bằng nhiệt lò than. Sau này, chúng tôi chuyển sang đốt bằng dầu thải. Tuy nhiên việc này tốn nhiên liệu vì nhiệt không cao, năng suất lao động thấp. Mỗi ngày, riêng việc đốt và cắt miệng cốc đã ngốn tiền triệu cho nhiên liệu.
Anh Lĩnh trăn trở và đề nghị tôi thử cải tiến quy trình làm, áp dụng bình khí và ga để tăng năng suất lao động. Nhờ vậy, một ca làm việc bây giờ chỉ hết 250 nghìn đồng tiền nhiên liệu. Số lượng cốc được cắt nhanh hơn. Sắp tới chúng tôi sẽ thử làm một dây chuyền vận chuyển những chiếc cốc nóng hổi vừa ra lò đi tới khu vực ủ trấu, để người thợ không phải di chuyển liên tục vất vả trong khâu đơn giản đó nữa”.
Đã có lúc ông Lĩnh từng nghĩ đến việc đầu tư máy móc, thiết bị để giảm sức lao động cho thợ. Nhưng tính đi tính lại, ông cho rằng, chi phí thu về không bù được tiền bỏ ra và cũng không thể cạnh tranh được với các cơ sở sản xuất công nghiệp có nhiều máy móc hiện đại.
3 hộ làm nghề trong số hơn 250 hộ dân sinh sống tại làng Xối Trì là con số quá ít ỏi. Chính những người thợ cũng lo lắng một ngày nào đó cái tên làng nghề thổi thủy tinh truyền thống Xối Trì sẽ mất đi. Và đó là một điều vô cùng đáng tiếc.
Đơn hàng rất nhiều, người làm không xuể, vậy tại sao làng nghề lại có nguy cơ thất truyền? Đó là câu hỏi những người yêu nghề thủ công, đặc biệt là những người biết đến làng thổi thủy tinh Xối Trì luôn trăn trở.
Chủ tịch UBND xã Nam Thanh Phạm Văn Tính phân tích, mỗi năm, chủ cơ sở phải bỏ vốn tiền tỷ để đầu tư. Tiền nhập nguyên liệu, thuê nhân công vào mùa hè cao điểm lên tới 50-60 triệu đồng/ngày.
So với các nhà máy nhập số lượng lớn thì việc nhập nguyên liệu nhỏ lẻ của các cơ sở thủ công sẽ đắt hơn nhiều. Đến mùa thu, đông, người uống bia ít, các xưởng lại sản xuất cầm chừng. Ngoài ra, việc đào tạo được một người thợ có tay nghề cũng phải mất 3-4 năm. Lợi nhuận thu về không chênh nhiều so với số tiền vốn bỏ ra. Đó là lý do đơn hàng về nhiều, có lúc làm không hết nhưng thu nhập không cao.
Vốn được biết đến là nghề “cha truyền con nối” nhưng hiện nay, các con của 3 chủ lò đều chọn theo nghề khác. Tính chất công việc vất vả, thường xuyên phải làm vào mùa hè, ở trong lò than nóng bức không phải là lựa chọn của những người trẻ.
Cũng theo ông Tính, do thị trường đồ nhựa, các sản phẩm công nghiệp hiện đại quá lớn nên nghề thủ công khó cạnh tranh. Các gia đình cũng không đầu tư máy móc, áp dụng lối sản xuất cũ nên làng nghề dần mai một. Hiện nay các xưởng trong làng còn tồn tại được là bởi sản phẩm cốc thủy tinh vẫn được ưa chuộng ở các cửa hàng bia hơi.
Ông cũng kỳ vọng làng nghề tiếp tục được duy trì, phát triển bởi đó không chỉ mở ra nhiều cơ hội về kinh tế cho người dân mà còn là điểm thu hút du khách.
Tuy nhiên, theo ông, việc phát triển làng nghề cần kinh phí lớn, cơ chế khuyến khích từ cấp trên. Và điều này hiện vượt quá khả năng của địa phương.
“Chúng tôi hi vọng làng nghề được duy trì, phát triển, giải quyết công việc cho bà con đồng thời giữ gìn nét văn hóa làng nghề truyền thống nhiều năm cha ông để lại. Bản thân tôi cũng vô cùng tiếc nuối nếu nghề truyền thống lâu đời của làng mất đi. Tuy nhiên, hiện nay, chính quyền xã cũng chưa có cơ chế để đầu tư, phát triển làng nghề ngoài việc khuyến khích các hộ gia đình tăng gia sản xuất.
Chúng tôi hi vọng được bộ ngành, tỉnh quan tâm, hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, máy móc để sản xuất đa dạng mặt hàng hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đào tạo nhân lực giúp làng nghề được sống với dân”, vị lãnh đạo xã chia sẻ.
LTS: Từ lâu, bia hơi vỉa hè đã trở thành nét văn hóa không chỉ của người Hà Nội mà ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Điều người ta thấy thân thương không chỉ ở bia hơi mà còn ở chiếc cốc thủy tinh sần sùi màu xanh đựng bia đi cùng năm tháng. Theo thời gian, nhiều loại cốc vại ra đời nhưng vẫn không thể nào thay thế được chiếc cốc thủy tinh thủ công ấy.
Tuyến bài Phía sau chiếc cốc bia hơi huyền thoại giới thiệu tới độc giả một sản phẩm thủ công truyền thống cũng như chuyện đời, chuyện nghề của những người làm nên chiếc cốc uống bia được yêu thích qua 2 thế kỷ này.
Theo quan sát của người có thâm niên hơn 10 năm làm việc trong ngành bia, từ khi giá một cốc bia chỉ 6-7 nghìn đồng cho đến bây giờ là 12 nghìn, hơn 90% quán bia hơi ở Hà Nội dùng loại cốc này.
Từng có thời gian họa sĩ Lê Huy Văn quên chính tác phẩm của mình. Ông không ngờ, sau nhiều năm, cốc bia hơi thủy tinh do mình thiết kế lại trở thành một “huyền thoại”.