Đôi lời về đại án “Chuyến bay giải cứu”
Trong lúc đất nước gặp muôn vàn khó khăn; người dân đang táo tác, hoang mang bởi bệnh tật, chết chóc do đại dịch covid -19 gây ra và có hàng trăm nghìn người Việt bị kẹt ở nước ngoài, lâm vào tình cảnh bơ vơ, vậy mà vẫn có hàng loạt quan chức, chủ doanh nghiệp cấu kết với nhau, lợi dụng dịch bệnh để làm giàu.
Có thể nói những kẻ tham nhũng trong các đại án Việt Á, “Chuyến bay giải cứu” là những ví dụ điển hình về sự tha hóa bởi ma lực của đồng tiền. Những kẻ đó vì tham lam không chỉ hủy hoại danh dự, liêm sỉ, cuộc sống của bản thân mà còn xâm hại uy tín của Nhà nước, hình ảnh của đất nước trước thế giới.
Chủ trương nhân đạo của Nhà nước đã bị chính những cán bộ công vụ trục lợi.
Cuối tháng 3/2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội toàn cầu, các hãng hàng không Việt Nam và nhiều hãng hàng không của các quốc gia trên thế giới tạm dừng các chuyến bay thương mại.
Hệ quả là hàng trăm nghìn người Việt Nam công tác, lao động, học tập, du lịch, thăm người thân,... bị kẹt lại ở nước ngoài. Nhiều người lâm vào tình cảnh mất việc làm, hết tiền, bơ vơ ở xứ người. Trong hoàn cảnh đó, không chỉ bản thân người Việt ở nước ngoài mà người thân của họ ở trong nước cũng vô cùng lo lắng, hoang mang.
Với quan điểm "không để ai bị bỏ lại phía sau", Chính phủ thực hiện Chủ trương tổ chức các “Chuyến bay giải cứu” để đưa đồng bào về nước. Công dân thuộc diện ưu tiên được về trên các “chuyến bay giải cứu” chỉ trả tiền vé máy bay, không phải trả các chi phí khác; các đối tượng còn lại đi các "chuyến bay combo" (trả toàn bộ chi phí).
Những người được ưu tiên hồi hương trên các “chuyến bay giải cứu” gồm: người lao động hết hợp đồng, mất việc, không còn thu nhập; học sinh dưới 18 tuổi, sinh viên đã hoàn thành khóa học, gặp khó khăn nơi ở; doanh nhân, trí thức là người Việt Nam, công dân xuất cảnh ngắn hạn, bị mắc kẹt, gặp khó khăn do không có nơi ở, không còn khả năng tài chính hoặc khó khăn đặc biệt khác...
Để tổ chức thực hiện các “Chuyến bay giải cứu”, Chính phủ thành lập Tổ công tác gồm đại diện các bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải.
Trong bối cảnh đại dịch covid - 19, Chính phủ chỉ đạo tổ chức “Chuyến bay giải cứu” để hồi hương người Việt mắc ở nước ngoài là chủ trương nhân đạo.
Nhưng trớ trêu thay, rất nhiều quan chức và viên chức được giao nhiệm vụ cứu giúp đồng bào lại là những kẻ trục lợi chủ trương nhân đạo của Chính phủ; chỉ trong thời gian ngắn đã dính đến nhiều cơ quan, nhiều doanh nghiệp.
Theo lời khai tại tòa của các bị cáo là các chủ các doanh nghiệp, để được đưa vào danh sách tham gia thực hiện “Chuyến bay giải cứu”, hoặc là phải hối lộ theo yêu cầu của các quan chức thuộc các bộ ngành, địa phương được giao nhiệm vụ tổ chức đón đồng bào bị kẹt ở nước ngoài trở về; hoặc là do các doanh nghiệp chủ động sử dụng biện pháp muôn thủa đó là “bôi trơn”.
Theo Hồ sơ vụ án, 21 bị cáo là cựu quan chức đã trên 500 lần nhận hối lộ với số tiền gần 165 tỷ đồng.
Để có số tiền hàng trăm tỷ hối lộ quan chức nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận thu về từ các “Chuyến bay giải cứu”, các doanh nghiệp đã nâng giá vé máy bay và các khoản chi phí khác lên nhiều lần. Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Văn phòng Bộ Công an, có gần 2.000 chuyến bay giải cứu, có những chuyến thu lợi khoảng 2 tỷ đồng. Khoản lãi này, đều dốc từ túi những người đang cần được giải cứu. Vì vậy để được hồi hương, công dân phải phải bỏ ra số tiền nhiều đến bất thường.
Theo chuyên gia hàng không, TS Lương Hoài Nam, thời điểm tháng 3 - 4/2020, đi chuyến bay giải cứu của Vietnam Airlines từ châu Âu về nước chỉ 1.200 USD (khoảng 28 triệu VND); từ Mỹ hoặc Canada chỉ 1.600 USD (khoảng 37 triệu VND). Nhưng sau đó, công dân muốn hồi hương, tùy theo cự ly, vé máy bay từ nước ngoài về Việt Nam có các mức: 80 triệu; 150 triệu; 170 triệu; 240 triệu.
Do giá vé “Chuyến bay giải cứu” tăng đột biến, để hồi hương, hàng nghìn người Việt từ Châu Âu, Hoa kỳ, Canada... phải đi các chuyến bay thương mại của các hãng hàng không nước ngoài quá cảnh qua Hàn Quốc, từ Hàn Quốc bay về Campuchia, rồi nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài. Hành trình này dẫu lòng vòng nhiều chặng, mất thời gian nhưng giảm được hơn một nửa chi phí so với “Chuyến bay giải cứu” bay thẳng về Việt Nam.
Có thể nói, những kẻ trục lợi đã làm cho chủ trương nhân đạo của Nhà nước trở nên trớ trêu, bi hài.
Tất cả những hành vi tham nhũng đều là xấu xa, nhưng lợi dụng đại dịch khi đất nước đang khốn đốn; người dân đang hoang mang, lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn, đặc biệt là lợi dụng các chủ trương chống dịch và chủ trương cứu giúp những người lâm vào tính cảnh khó khăn để tham nhũng thì có thể đánh giá đó là những kẻ độc ác, vô lương tâm.
Rồi đây, những bị cáo trong đại án “Chuyến bay giải cứu” sẽ phải nhận các bản án cả về thân xác, tự do và lương tâm trong phần đời còn lại.
Những vấn đề cần suy ngẫm
Từ thực tiễn chống tham nhũng, từ các đại án Việt Á, “Chuyến bai giải cứu”, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các vụ án tham nhũng trong thời gian vừa qua, đặt ra cho chúng ta những vấn đề cần phải suy ngẫm:
Tại sao khoảng chục năm trở lại đây, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng rất quyết liệt, hàng loạt quan tham bị xử lý nghiêm khắc nhưng quan chức tham nhũng bị xử lý những năm về sau số lượng càng nhiều?
Trong các đại án Việt Á, “Chuyến bay giải cứu”, AIC và các vụ án kinh tế lớn, ở một số bộ ngành và nhiều tỉnh thành cả dàn lãnh đạo bị dính chàm, liệu có phải nhóm lợi ích càng ngày càng nhiều và càng liều lĩnh, bất chấp pháp luật?
Phải chăng một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa đạt được kết quả như mong muốn là vì trong một số lĩnh vực kinh tế, xã hội vẫn tồn tại tình trạng độc quyền và cơ chế xin - cho?
Nên chăng để cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đảm bảo căn cơ, hiệu quả, bền vững nhất thiết phải gắn liền xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân tham nhũng với cải cách hệ thống văn bản pháp luật và cải cách thể chế?
Phải chăng vai trò, chức năng của báo chí trong điều tra, phát hiện, phản biện, đấu tranh phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế; và trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng... chưa thực hiện đầy đủ nguyên tắc công khai, minh bạch? Lẽ ra báo chí đã cảnh báo tốt hơn được những hệ luỵ từ những vụ test kit và Chuyến bay giải cứu, nếu báo chí làm tốt chức năng của mình hơn.
Tại sao nhiều người dính chàm đến thế sau khi đã trải qua thời gian dài phấn đấu để thăng tiến trong bộ máy Nhà nước? Phải chăng trong quy hoạch, lựa chọn, bổ nhiệm nhân sự vẫn còn có lỗ hổng cần được tiếp tục xử lý?
Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong những năm vừa qua đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu. Tuy nhiên, để phòng chống tham nhũng căn cơ, bền vững không thể không có cái nhìn khách quan, thẳng thắn, minh triết về những gì đạt được, những gì còn hạn chế trong thời gian vừa qua để hoàn thiện, bổ cứu giải pháp, phương cách tiến hành để bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch và hiệu quả hơn.
Nguyễn Huy Viện