Khoang bụng chứa nhiều bộ phận trong cơ thể như dạ dày, ruột, gan, mật, tụy, thận… Theo y học cổ truyền, massage vùng bụng không chỉ có tác dụng điều hòa đường tiêu hóa như ngăn ngừa táo bón, tiêu chảy mà còn hỗ trợ điều trị các vấn đề như khó chịu trong kỳ kinh nguyệt, béo phì… Chỉ cần hình thành thói quen xoa bụng, bạn sẽ nhận được hiệu quả nhất định sau một thời gian.
Theo Today’s Weekly, hướng massage bụng cũng có những tác dụng khác nhau:
Xoa bụng theo chiều kim đồng hồ: Ngăn ngừa táo bón
1. Xoa lòng bàn tay vào nhau để làm ấm.
2. Đặt lòng bàn tay lên rốn và massage từ từ theo chiều kim đồng hồ từ trong ra ngoài. Lặp lại động tác 10 phút, khoảng 50 lần.
Chuyển động này đi dọc theo ruột già, có tác dụng ngăn ngừa táo bón và thúc đẩy đại tiện.
Xoa bụng ngược chiều kim đồng hồ: Giảm tiêu chảy mạn tính
1. Xoa lòng bàn tay vào nhau để làm ấm.
2. Đặt lòng bàn tay lên bụng, massage từ từ ngược chiều kim đồng hồ từ ngoài vào trong, Lặp lại hành động 10 phút, khoảng 50 lần.
Lưu ý
- Khi massage bụng, bạn chỉ cần dùng tay, không cần dụng cụ khác. Cường độ phải đều và chậm, miễn là không có cảm giác khó chịu và không bị đau. Cố gắng nằm càng phẳng càng tốt. Nếu thời gian và không gian không cho phép thì có thể ngồi thẳng.
- Thời điểm tốt nhất là trước khi đi ngủ vào buổi tối, hoặc sau khi thức dậy vào buổi sáng và đã đi tiểu.
- Vì nhu động ruột được thúc đẩy trong quá trình xoa bóp nên bạn có thể cảm thấy đầy hơi, đói, không cần phải lo lắng.
- Những người đang bị nhiễm trùng bụng cấp tính, có u, thiếu tiểu cầu không được phép xoa bóp để tránh tổn thương lan rộng. Nếu da có mủ hoặc chảy máu thì phải chữa trước rồi mới xoa bóp.
- Phụ nữ mang thai không massage vùng bụng bởi nếu không cẩn thận có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.