Với hơn 3.260km đường biển trải dài từ Bắc vào Nam, khí hậu nhiệt có độ ẩm thấp và nền nhiệt cao, Việt Nam có nhiều tiềm năm thuận lợi cho hoạt động sản xuất muối. Bên cạnh đó, nghề muối tại Việt Nam là một nghề truyền thống, có từ lâu đời, là ngành sản xuất có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Theo số liệu thống kê, nước ta có khoảng 70 cơ sở chế biến muối, trong đó chỉ có khoảng 15 dây chuyền chế biến muối tinh liên tục theo phương pháp nghiền rửa muối. Phần lớn các khu vực sản xuất muối tại Việt Nam hiện nay đều quy hoạch theo phương pháp thủ công, chỉ có rất ít địa phương liên kết với doanh nghiệp để sản xuất muối. Chính vì vậy, giá trị của muối nước ta vẫn chưa được cao.
Tại một cuộc họp về tổng quan phát triển ngành muối Việt Nam được tổ chức vào tháng 7/2023, ông Lê Đức Thịnh - ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, chất lượng và số lượng muối tại các đồng muối công nghiệp của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp hóa chất, y tế nên vẫn phải nhập khẩu muối.
Không thể cạnh tranh với muối công nghiệp, ngành muối Việt Nam cần tận dụng lợi thế về muối sản xuất từ nước biển đi theo phân khúc hẹp của thị trường, tránh cạnh tranh với muối công nghiệp, để tạo ra sản phẩm có giá bán cao gấp nhiều lần so với muối thông thường ví dụ như đa dạng hóa sản phẩm từ muối làm ra các sản phẩm mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe…
Trước đó, để thúc đẩy phát triển ngành muối, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030, Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 766/QĐ-BNN-KTHT ngày 24/02/2021 về kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra, Bộ đang triển khai xây dựng thí điểm Đề án nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị ngành muối Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030 có mục tiêu chung là phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tổng diện tích sản xuất muối 14.244 ha, sản lượng đạt 2 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu trong nước…
Đề án cũng đặt ra các nhiệm vụ đầu tư phát triển sản xuất muối gắn với chế biến và thị trường; Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm muối; Khuyến khích khôi phục, bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất muối truyền thống, đa dạng hóa các sản phẩm từ muối gắn với du lịch nông thôn tại các địa phương. Với các giải pháp hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muố; Hỗ trợ đầu tư các mô hình liên kết sản xuất muối; Về khoa học và công nghệ; Về tín dụng đầu tư; Về đào tạo nguồn nhân lực; Phát triển sản phẩm và xúc tiến thương mại…
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn cho thấy, trong năm 2023, Bộ đã triển khai các giải pháp phát triển ngành muối, chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang nuôi thủy sản; cải tạo nâng cấp các đồng muối hiện có, tạo điều kiện cho diêm dân nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành muối, nâng cao thu nhập; nhân rộng mô hình sản xuất muối sạch, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng giá trị kinh tế. Năm 2023, diện tích sản xuất muối đạt 10.748,7 ha (trong đó muối công nghiệp 3.497,7 ha); sản lượng 883,8 nghìn tấn (trong đó muối công nghiệp 277,8 nghìn tấn).