Ngày đầu tiên nhận lớp, tôi gọi tên em ấy 3 lần cũng không có tiếng đáp. Các bạn khác nhao nhao: "Bạn ấy đây nè cô, có mặt nè cô". Tôi quan sát thì thấy em ấy ngồi gần cuối lớp, đầu cúi xuống bàn, cố thu mình lại thật nhỏ.
Dạy gần hết học kì tôi vẫn chưa nghe được tiếng em ấy lần nào. Mỗi lần gọi tên, nói cách mấy em cũng chỉ đứng im, người co lại, run rẩy. Hầu hết các giáo viên bộ môn đều hết lời phàn nàn. Tôi hỏi thăm qua giáo viên chủ nhiệm năm ngoái thì nhận được lời giải thích: "Hình như gia đình đang xin giấy chứng nhận em ấy thuộc diện hoà nhập đó chị".
Có dịp gặp gỡ phụ huynh, tôi mới hay gia đình có biến cố, em ấy chọn ở cùng ba sau khi mẹ bỏ đi. Ba em ấy kể, khi còn ở tiểu học, em rất lanh lợi thông minh, từ khi xảy ra chuyện mới trở nên như vậy.
"Cô giúp giùm chứ tui cũng không biết làm sao", ba em nghẹn ngào nói cùng tôi sau buổi gặp gỡ.
Thế là một tuần hai buổi, em ấy ở lại trường sau giờ học, tôi thường đưa sách cho em đọc, sau đó động viên: "Con cứ tự do viết đi, nhớ gì về cái vừa đọc thì viết, vài chữ cũng được”.
Ban đầu, em cặm cụi hí hoáy trên giấy, cuối giờ mang tập lên chỉ có mấy chấm tròn tô đen thui. Suốt cả tuần, tôi nản lòng định bỏ mặc. Có khi giận quá, tôi hỏi: "Em không thương ba hả?".
Em có phần bối rối nhưng vẫn im lặng. Tôi lại tiếp tục giải thích: "Em cũng không thương cô. Ba đi làm vất vả cho em đi học, cô dạy em đến giờ này, năn nỉ hết lời em cũng không chịu viết chữ nào. Ba đâu thể theo em mãi được. Em đâu thể cứ là gánh nặng cho ba hoài được. Em hiểu không”.
Em ấy gật, hàm ý đã hiểu nhưng cuối giờ lại nộp giấy trắng. Lúc nộp bài tay em run lẩy bẩy, ánh mắt lấm lét, tôi nhìn em ấy sợ như vậy cũng không muốn nói gì thêm.
Chớp mắt mà hơn 2 tháng. Mỗi lần giữ em ấy lại nói chuyện là tôi độc thoại, em lại lơ mơ nghe, gật gật lắc lắc. Tiết Văn nào tôi cũng năn nỉ: "Em viết đi, không nói được thì mình viết…”. Dù chỉ nói thôi chứ lòng cũng không mong đợi nhiều. Vậy mà đến hôm đó, em viết thật.
Đề văn yêu cầu biểu cảm về một người thân, em viết được hơn nửa trang, chữ nguệch ngoạc, đôi chỗ vẫn tô đen và gạch lung tung nhưng nội dung rành mạch. Em viết: "Mẹ của em rất đẹp, mẹ rất hiền, mẹ biết nấu ăn và chăm sóc em... Em rất thương mẹ của em, muốn gặp mẹ của em...".
Tôi đọc đoạn văn ngắn ngủn, khen: "Em viết tốt mà. Em có thể viết những suy nghĩ về bất cứ chuyện gì, viết ra được sẽ thấy tốt hơn. Tối nay về nếu rảnh em viết tiếp được không?".
"Dạ".
Tiếng em ấy nhỏ và hơi khàn... Đó là lần đầu tiên tôi nghe tiếng em ấy. Tôi thấy như bản thân vừa đạt được thành tựu lớn, thấy công việc đang làm tự nhiên ý nghĩa hơn... Mục tiêu năm học này của tôi đơn giản: chỉ mong đủ sức mở cánh cửa đóng kín trong lòng em, thấy em ấy cười nói như mọi đứa trẻ khác.
Từ câu chuyện thực tế ấy, cá nhân tôi hiểu ra rằng quá trình giáo dục không chỉ là truyền thụ kiến thức, mà chủ yếu là làm thay đổi, hoặc phát triển thêm các quan niệm của người học.
Không có học sinh nào học "dốt" hoặc thiếu khả năng tiếp nhận, nếu các em được giáo viên trao trách nhiệm trở thành chủ thể tích cực trong tiến trình xây dựng kiến thức cho bản thân, được giáo viên khuyến khích tự khám phá, tự phát hiện và giải quyết vấn đề theo từng bước vừa sức.
Cá nhân tôi cho rằng mỗi cá nhân là một bản thể độc đáo với những năng lực riêng. Thậm chí, đánh giá mỗi cá nhân tại mỗi thời điểm cũng chưa chính xác mà cần nhìn vào cả quá trình tiến bộ. Do đó, mỗi giáo viên cần nỗ lực, kiên trì để giúp đỡ và hỗ trợ học sinh.
Nguyễn Thanh Tú
Ban Giáo dục báo VietNamNet mở diễn đàn "Có học sinh dốt thật không?", mong nhận được ý kiến của độc giả. Đóng góp xin gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin chân thành cảm ơn! |