Những ngày gần đây, nhiều người dùng Internet than phiền về chất lượng dịch vụ. Chị Thanh Huyền ở Đống Đa, Hà Nội có thói quen cứ 20h hàng ngày xem livestream của 1 cửa hàng đồ gốm yêu thích. Tuy nhiên, trong 2 - 3 ngày vừa qua, chị Huyền không thể duy trì thói quen này do mạng chậm, bị dừng hình và không nghe được tiếng.
Trên các diễn đàn công nghệ, nhiều người dùng hỏi nhau về chất lượng các gói 4G, Wi-Fi của các nhà mạng, do không tải, xem được video trên các mạng xã hội.
Tìm hiểu về tình trạng trên, phóng viên VietNamNet được một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, từ trưa ngày 28/1, tuyến cáp biển Intra Asia (IA, còn gọi là Liên Á) đã gặp sự cố. Nguyên nhân được xác định do đứt cáp tại vị trí cách trạm cập bờ Singapore của tuyến cáp khoảng 130 km. Sự cố làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Singapore của tuyến cáp Liên Á.
Được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, Liên Á là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển đang chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 4 tuyến khác gồm Asia Pacific Gateway (APG), Asia America Gateway (AAG), AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1) và SMW3 (còn gọi là SEA - ME - WE3).
Có tổng chiều dài 6.800 km, tuyến cáp biển Liên Á kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, HongKong và Nhật Bản. Liên Á được đánh giá là tuyến cáp quang quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực.
Với việc cáp Liên Á vừa gặp sự cố, thời điểm hiện tại, có tới 4/5 tuyến cáp biển các nhà mạng Việt Nam khai thác bị lỗi.
Cụ thể, lần lượt vào các ngày 26/12/2022 và 21/1/2023 (tức 30 Tết), tuyến cáp APG gặp sự cố trên 2 phân đoạn S6 gần HongKong (Trung Quốc) và S9 hướng kết nối đi Singapore.
Với AAE-1, tuyến cáp biển này gặp sự cố vào cuối tháng 11/2022 trên các nhánh S1H.1 hướng HongKong (Trung Quốc) và S1H.3 hướng đi Singapore. Trong khi lỗi trên nhánh hướng kết nối đi Singapore đã được sửa xong vào ngày 14/1/2023, sự cố trên nhánh cáp kết nối đi HongKong (Trung Quốc) hiện vẫn chưa được khắc phục.
Còn với AAG, trong năm ngoái, tuyến cáp này nhiều lần gặp sự cố trên cả 2 hướng kết nối đi Singapore và HongKong (Trung Quốc). Với hướng cáp Singapore, AAG gặp sự cố trên các nhánh S1B, S1D và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei); ở hướng kết nối Hong Kong (Trung Quốc), AAG bị lỗi trên nhánh S1H và S1I. Thông tin từ các nhà mạng, trong những lỗi này, chỉ có sự cố trên nhánh S1H đã hoàn thành việc sửa chữa.
Với tình huống có tới 4 tuyến cáp biển cùng vướng sự cố, đại diện một nhà mạng chia sẻ: “Tình hình rất căng, các nhà mạng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách hàng”.
Trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) bình luận: Việc cùng lúc có tới 4 tuyến cáp biển gặp sự cố là tình huống có lẽ các nhà mạng ít khi tính tới. Như vậy phần lớn dung lượng cáp biển đã không còn sử dụng được.
“Chúng tôi cho rằng đây là một bài học tốt cho các nhà mạng Việt Nam, tức là mọi kịch bản xấu nhất đều cần được tính tới và có phương án chuẩn bị ứng phó”, ông Vũ Thế Bình nhận định.
Đại diện VIA cho biết, thêm, với tình hình trên, để giảm thiểu ảnh hưởng và bù đắp phần nào dung lượng, các nhà mạng tại Việt Nam cơ bản chỉ có phương án bù đắp qua các kênh cáp đất liền. Tuy vậy, việc mở ứng cứu sẽ không nhanh được, do Trung Quốc cũng nghỉ Tết Nguyên đán.
“Thêm nữa, kịch bản gần như tất cả các kênh cáp biển đều có sự cố là việc rất hy hữu. Chúng tôi đồ rằng các nhà mạng cũng có tính đến nhưng ít chuẩn bị cho tình huống này. Các tuyến cáp đất liền rất có thể không thể nâng cấp nhanh chóng được do hạn chế về thiết bị. Chúng tôi cho rằng tình trạng chập chờn và giảm chất lượng truy cập Internet quốc tế cục bộ sẽ còn kéo dài trong vài tuần tới”, ông Vũ Thế Bình nêu quan điểm.